Xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự do tòa án tiến hành để ra một bản án kết tội đối với người thực hiện hành vi phạm tội bị khởi tố, truy tố trước đó. Bất cứ loại tội phạm nào sau khi có quyết định truy tố của Viện kiểm sát và bản cáo trạng gửi sang Tòa án trong thời hạn luật định phải được xét xử kịp thời. Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua bài viết dưới đây.

Vụ án hình sự là gì? Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là gì?

Vụ án hình sự là Vụ việc phạm pháp có dấu hiệu là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã được cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật hình sự tố tụng.

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó toà án có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên toà xem xét, giải quyết vụ án bằng việc ra bản án quyết định bị cáo hoặc các bị cáo có tội hay không có tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp, cũng như các quyết định tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của tòa án

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của toà án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Thứ nhất, thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện và toà án quân sự khu vực (Khoản 1 Điều 268 Bộ luận tố tụng hình sự năm 2015)

Toà án nhân dân cấp huyện và toà án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng trừ một vài tội phạm theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh và toà án quân sự cấp quân khu (Khoản 2 Điều 268)

Toà án nhân dân cấp tỉnh và toà án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án sau:

(i) Những vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện và toà án quân sự khu vực

(ii) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc có tài sản liên quan đến vụ án ở nước ngoài.

(iii) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp huyện và toà án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thông nhát về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành.

Thành viên hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gồm những ai?

Thành phần của hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có một thẩm phán và hai hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hội đồng xét xử sơ thẩm có thể có hai thẩm phán và ba hội thẩm. Đối với vụ án có bị cáo mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là chung thân, từ hình thì hội đồng xét xử gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm.

Nếu người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi thì thành phần của hội đồng xét xử sơ thẩm phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Các thành viên của hội đồng xét xử phải tham gia xét xử vụ án từ khi khai mạc phiên tòa cho đến khi kết thúc. Thẩm phán chủ toạ phiên toà là người điều khiển việc xét xử tại phiên tòa và giữ trật tự phiên tòa.

Trong quá trình xét xử, nếu có thẩm phán hoặc hội thẩm không tiếp tục tham gia xét xử được thi tòa án vẫn có thể xét xử vụ án, nếu có thẩm phán hoặc hội thẩm dự khuyết. Thẩm phán hoặc hội thẩm dự khuyết phải có mặt tại phiên tòa tử đầu thì mới được tham gia xét xử.

Trường hợp hội đồng xét xử có hai thẩm phán mà thẩm phán chủ toạ phiên toà không tiếp tục tham gia xét xử được thì thẩm phán là thành viên của hội đồng xét xử lãm chủ tọa phiên tòa và thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên hội đồng xét xử. Trong trường hợp không có thẩm phán, hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ toạ phiên toà thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu. 

Thời hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Khoản 1 Điều 298 đã quy định giới hạn xét xử sơ thẩm của Tòa án về đối tượng và về hành vi được đưa ra xét xử. Chỉ những bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố bằng bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố mới bị Tòa án đưa ra xét xử. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án hoặc tại phiên tòa, nếu Tòa án nhận thấy có dấu hiệu bỏ bỏ lọt tội phạm thì Tòa án cũng không được đưa người đó ra xét xử mà chỉ có thể trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung với căn cứ quy định tại điểm c Điều 280 BLTTHS “Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu phổ biến nhất hiện nay. Theo điều 174, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…

Như vậy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản để chiếm đoạt tài sản đó.

Các dấu hiệu pháp lý của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện qua các dấu hiệu pháp lý sau:

Về mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện qua:

– Hành vi

Tội phạm này thể hiện qua hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối.

Trong đó, Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hình ảnh, bằng hành động, … Hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi. Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web. Sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại. Người phạm tội thường giấu hoặc cung cấp sai thông tin làm bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

– Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Điều 174, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt

Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội khác theo quy định, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm 

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Lưu ý: Trường hợp hành vi gian dối, hay hành vi chiếm đoạt cấu thành vào một tội danh độc lập khác, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ bị truy cứu những tội danh tương ứng. Ví dụ như hành vi gian dối làm tem giả, vé giả …( Điều 164 Bộ luật hình sự), hành vi gian dối trong cân đong đo đếm, tình gian, đánh tráo hàng ( Điều 162 Bộ luật hình sự), hành vi lừa đảo chiếm đoạt chất ma tuý…

Về khách thể

Tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Về mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Về chủ thể

Người trên 16 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự.

Hình phạt của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo điều 174, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, có các hình phạt sau:

Hình phạt chính

Có các khung hình phạt sau:

– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Tái phạm nguy hiểm;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ví dụ về bản án xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 30/2021/HS-PT NGÀY 29/03/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 23/2021/TLPT-HS ngày 05 tháng 02 năm 2021 đối với bị cáo Huỳnh Văn D, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 203/2020/HS-ST ngày 28/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Bị cáo có kháng cáo:

Huỳnh Văn D, sinh năm 1983, tại R, Kiên Giang; Nơi cư trú: Số 268 đường T, khu phố T, phường Q, thành phố G, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hoá (học vấn): 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Huỳnh Cao T và bà Bùi Thị T; vợ Nguyễn Thị Kim D (đã ly hôn), có 01 người con sinh năm 2003; tiền án: Không, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt theo quyết định truy nã, bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 25/6/2020 cho đến nay. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 8/2017 Đỗ Quang V có quen biết với Huỳnh Văn D; do thấy D là người đang làm thuê tại công trình xây dựng cổng rào của trường trung học phổ thông Đ, thuộc phường L, thành phố G, tỉnh Kiên Giang nên V đã hỏi thăm D về việc có quen biết ai bên ngành giáo dục để xin chuyển trường cho người em của V là Huỳnh Thị N từ huyện B về thành phố G (N và D không quen biết 1 nhau). Lúc đó mặc dù D không quen biết ai và cũng không có khả năng lo việc chuyển trường nhưng đã nói dối là bản thân quen biết nhiều người trong Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang và quen biết với hiệu trưởng trường trung học cơ sở ND; D nói là có thể lo cho N về công tác giảng dạy tại trường trung học cơ sở ND với điều kiện là V phải đưa cho D 120.000.000 đồng và phải đưa trước 60.000.000 đồng thì V đồng ý. Tiếp đó trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến khoảng tháng 11/2017 V đã đưa tiền cho D 03 lần, cụ thể: lần 01 đưa 60.000.000 đồng, lần 02 đưa 2.000.000 đồng cùng tại nhà của V ở địa chỉ số E6-39 đường T, phường L, thành phố G, tỉnh Kiên Giang; lần 03 đưa 30.000.000 đồng tại quán cà phê ở đường U, phường L, thành phố G, tỉnh Kiên Giang; tổng cộng D đã nhận của V số tiền là 92.000.000 đồng (trong đó 70.000.000 đồng là tiền của N đưa cho V;

22.000.000 đồng là tiền của V). Số tiền đã nhận D tự tiêu xài cá nhân hết chứ không lo việc chuyển trường cho N như đã thoả thuận với V.

Đến khoảng tháng 5/2018, biết V không xin chuyển trường cho mình được nên N đã yêu cầu V trả lại 70.000.000 đồng và V đã trả lại cho N số tiền này. Sau đó, V nhiều lần tìm D để yêu cầu trả lại 92.000.000 đồng nhưng D không trả mà tìm cách trốn tránh. Ngày 20/8/2019 V đã trình báo vụ việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố G.

Ngày 18/11/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố G ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra nhưng bị cáo bỏ trốn. Đến ngày 25/6/2020 bị cáo bị bắt theo lệnh truy nã và tạm giam đến nay.

Vật chứng thu giữ được trong vụ án: Tiền Việt Nam 50.000.000 đồng do bị cáo tự nguyện giao nộp.

Xử lý vật chứng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố G đã trả lại cho người bị hại Đỗ Quang V số tiền 50.000.000 đồng.

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 203/2020/HS-ST ngày 28/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố G, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 174, điểm b, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 38, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Văn D – 01 (một) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù được tính từ ngày 25/6/2020.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí, báo quyền kháng cáo theo luật định.

* Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 31 tháng 12 năm 2020 bị cáo Huỳnh Văn D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

* Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Văn D thừa nhận Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng tội và giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật. Xét kháng cáo của bị cáo thấy rằng, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt 01 năm tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có cung cấp thêm Giấy Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Bùi Văn T, Huân chương kháng chiến của liệt sĩ Bùi Văn E nhưng không có chứng cứ chứng minh mối quan hệ của liệt sĩ với mẹ bị cáo nên không chấp nhận. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:

Xét đơn kháng cáo của bị cáo về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại các Điều 331, 332 và 333 Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quyết định của bản án sơ thẩm:

Vào khoảng tháng 8/2017 Huỳnh Văn D đã thoả thuận với bị hại Đỗ Quang V về việc bị cáo sẽ đứng ra xin chuyển nơi công tác cho một người tên Huỳnh Thị N từ một trường trung học cơ sở ở huyện AB về làm tại trường trung học cơ sở ND tại thành phố G, tỉnh Kiên Giang, điều kiện là V phải đưa cho bị cáo số tiền 120.000.000 đồng. Để tạo sự tin tưởng của V thì bị cáo đã nói dối là bản thân quen biết nhiều người trong Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang và quen biết với hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở ND, cho nên V đã đồng ý. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến khoảng tháng 11/2017 bị hại V đã đưa tiền cho bị cáo 03 lần, tổng cộng là 92.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền xong, bị cáo không liên hệ xin việc cho Huỳnh Thị N như đã hứa hẹn mà tự tiêu xài cá nhân hết. Sau đó, V nhiều lần tìm bị cáo để yêu cầu trả lại tiền nhưng bị cáo trốn tránh. Bị cáo có ý thức muốn chiếm đoạt tài sản của người bị hại, nên đã đưa ra các thông tin không đúng sự thật để tạo lòng tin cho người bị hại, nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại để tiêu xài cá nhân. Do đó, hành vi của bị cáo D đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự như cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo:

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. HĐXX xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo; áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo mức án 01 năm tù dưới khung hình phạt là phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có cung cấp thêm chứng cứ là Huân chương kháng chiến của Liệt sĩ Bùi Văn E và Giấy Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Bùi Văn T, đều có mối quan hệ là cậu ruột của bị cáo; thể hiện gia đình bị cáo là những người có công với cách mạng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Tổ quốc ghi công…nên đây được xem là những tình tiết mới mà cấp sơ thẩm chưa xem xét. Vì vậy, nghĩ nên cần áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự làm tình tiết giảm nhẹ thêm cho bị cáo là phù hợp. Do đó, kháng cáo của bị cáo là có căn cứ nên HĐXX chấp nhận, giảm nhẹ thêm cho bị cáo một phần hình phạt. Xét thấy thời gian tạm giam của bị cáo cũng đủ tính răn đe, giáo dục bị cáo, đồng thời thể hiện được tính khoan hồng của pháp luật nước ta.

[4] Xét quan điểm của Kiểm sát viên: Đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có phần hơi nghiêm cũng như chưa xem xét thêm tình tiết mới mà bị cáo đã cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm, như nhận định trên của HĐXX. Vì vậy, quan điểm đề nghị này của Vị đại diện Viện kiểm sát không được HĐXX chấp nhận.

[5] Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

– Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh Văn D.

– Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 203/2020/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố G, tỉnh Kiên Giang.

Áp dụng: Điểm c khoản 2 Điều 174, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

* Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Văn D – 09 (Chín) tháng 04 (bốn) ngày tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 25/6/2020, đến ngày hôm nay bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù.

Áp dụng khoản 5 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự: Tuyên trả tự do ngay tại tòa cho bị cáo Huỳnh Văn D, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án số: 203/2020/HS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố G, tỉnh Kiên Giang, không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin