Văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc

Văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, xã hội hóa một số nội dung công tác tư pháp, Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng. Ngày 02 tháng 01 năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới xác định “Nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp”.

Vậy văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc được quy định như thế nào. Bài viết về văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc của Rong Ba giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận pháp luật về quy định này.

Sự cần thiết văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc

Cơ sở pháp lý văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc

Từ đó, chủ trương xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ chính trị, đó là “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”, mà cụ thể hơn là “nghiên cứu chế định Thừa phát lại, trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Qua thực tế triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay, bước đầu đã khẳng định những thành công của mô hình này góp phần cung cấp những luận cứ cho việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng và thi hành án dân sự, cũng như đổi mới hệ thống tổ chức cơ quan Thi hành án.

Sau khi hết thời hạn thí điểm theo Nghị quyết số 24/2008/QH12, việc tổng kết, báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm tiến hành chưa kịp thời, làm phát sinh vấn đề về giá trị pháp lý của hoạt động Thừa phát lại kể từ khi hết thời hạn thí điểm.

Vì vậy, tại Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 , trong đó, giao cho Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.

Căn cứ vào Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/03/2013 về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” theo đề nghị của Bộ Tư Pháp.

Ngày 24/6/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ngày 18 tháng 10 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ xung tên gọi và một số điều của Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại Nghị định này, địa bàn thực hiện thí điểm được mở rộng, một số vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh đã được sửa đổi bổ xung kịp thời.

Như vậy, việc triển khai thực hiện chủ trương thí điểm Thừa phát lại đã được Đảng và Nhà nước tổ chức công phu với những lộ trình và bước đi phù hợp, xây dựng cơ sở pháp lý làm nền tảng cho việc thực hiện thí điểm thành công chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh và nhân rộng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2015 để được xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có một luật về Thừa phát lại.

Được lựa chọn là một trong 12 địa phương tiếp sau thành phố Hồ chí Minh thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, ngày 18 tháng 7 năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc” gửi Bộ Tư pháp.

Ngày 12 tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định số 2279/QĐ-BTP “Phê duyệt đề án Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc”. Theo nội dung đề án được phê duyệt, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ 02 đến 03 Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm này.

Cơ sở thực tiễn văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, là cầu nối giữa các tỉnh phía tây bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao và được đánh giá là địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong đó có công tác xã hội hóa một số các hoạt động bổ trợ tư pháp.

Thị xã Phúc Yên là một đô thị có lịch sử phát triển trên 100 năm và hiện là đô thị lớn thứ 2 sau thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc. Với sức hút đầu tư công nghiệp lớn, đóng vai trò là đô thị hạt nhân trong sự phát triển kinh tế – xã hội của cả tỉnh.

Phúc Yên có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ngày càng tăng, hiện thị xã có khoảng 522 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn trong đó có những doanh nghiệp lớn như công ty Toyota và công ty Honda Việt Nam.

Mới đây thị xã Phúc Yên vinh dự được bộ xây dựng quyết định công nhận là đô thị loại III. Trong Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, thị xã Phúc Yên sẽ trở thành một quận thuộc thành phố Vĩnh Phúc. Phúc Yên trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Cũng tại thị xã Phúc Yên đã từng tồn tại chế định Thừa phát lại trước cách mạng tháng 8 năm 1945 và được duy trì đến năm 1954 theo nghị định số 111/BTP ngày 02 tháng 02 năm 1950 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc
Văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc

Tổ chức này đã hoạt động rất có hiệu quả, người dân Phúc Yên đã biết đến khái niệm về Thừa phát lại và vẫn còn hình dung được hoạt động của Thừa phát lại, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truyền thông trong hoạt động thí điểm chế định thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và thị xã Phúc Yên nói riêng.

 Mặc dù hiện nay, chế định thừa phát lại được thực hiện thí điểm khác chế định thừa phát lại trước đây cả về bản chất và hình thức, nhưng vẫn trên cơ sở có kế thừa và phát triển, tiếp thu tinh hoa và kinh nghiệm tổ chức Thừa phát lại của các nước trên thế giới.

Hơn nữa, Vĩnh Phúc là nơi từng thực hiện rất thành công nhiều chủ trương và đề án lớn của Đảng và Nhà nước, mà gần nhất là việc thực hiện thành công đề án xã hội hóa các tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, có thể nói tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều kinh nghiệm và năng động trong việc thực hiện các mô hình tổ chức hoạt động mới.

Một yếu tố quan trọng khác cho sự thành công của việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Vĩnh Phúc là sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp là Sở Tư pháp, cùng với sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính Phủ và Bộ Tư pháp, Lãnh đạo tỉnh luôn tạo những điều kiện tốt nhất đảm bảo cho sự thành công của việc thực hiện thí điểm mô hình chế định Thừa phát lại.

Mới đây, để thực hiện chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh nhà, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2700 ngày 01 tháng 10 năm 2013 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Điều này thể hiện tâm huyết, sự quyết tâm, sẵn sàng cũng như sự quan tâm hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần trong việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Chế định Thừa phát lại khi được thực hiện tại thị xã Phúc Yên dưới mô hình là Văn phòng Thừa phát lại sẽ có tác dụng tích cực và trực tiếp ở nhiều mặt, hỗ trợ cho hoạt động hiệu quả của các cơ quan tư pháp và đáp ứng  yêu cầu ngày càng lớn của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Phúc Yên như:

– Đối với công tác tống đạt văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án.

Giao dịch dân sự, kinh tế nhiều và các tranh chấp diễn ra quá phức tạp, việc giải quyết tranh chấp mất rất nhiều thời gian do phải điều tra, thu thập chứng cứ, triệu tập, tống đạt… điều đó tạo ra sự quá tải của Tòa án, đặc biệt trong việc tống đạt.

Với lực lượng mỏng, khối lượng văn bản phải tống đạt nhiều, đồng thời phải thực hiện các công việc chuyên môn khác, đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng xét xử cũng như hiệu quả thi hành án.

Mặc khác, việc giao công tác tống đạt văn bản cho Thừa phát lại cũng thể hiện sự khách quan, vô tư của thẩm phán, chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trong một số trường hợp, việc giao các văn bản cho Thừa phát lại tống đạt còn là căn cứ để xác định thời hạn kháng cáo, thời hiệu yêu cầu thi hành án, nếu chỉ sử dụng hình thức giao cho bưu điện gửi bản án, quyết định cho đương sự thì việc xác định thời hạn, thời hiệu rất khó khăn…

Tuy nhiên, hiệu quả đạt được cao nhất chính là giải phóng cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án khỏi trách nhiệm tống đạt, tập trung thời gian, công sức vào công tác chuyên môn, hạn chế tình trạng án tồn của cả ngành Tòa án và ngành Thi hành án dân sự.

– Đối với công tác xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành bản án.

Với sự ra đời của Thừa phát lại, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

– Đối với việc lập Vi bằng.

Trong quan hệ dân sự, Thừa phát lại còn giúp cho người dân lập các vi bằng là văn bản do Thừa phát lại ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Rong Ba về văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Phúc và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin