Khi nói đến chất liệu làm nội thất nhiều người nghĩ phải sử dụng các chất liệu đắt tiền như gỗ lim, gỗ sến, mạ kim loại, … thì mới đẹp và sang trọng. Quan điểm này chưa hoàn toàn đúng vì hiện nay đã có một loại vật liệu giá thành rất rẻ nhưng chất lượng lại không thua kém những vật liệu khác. Đó chính là những miếng ván mfc. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Rong Ba Group tìm hiểu về loại ván đặc biệt này nhé!
Gỗ ván mfc là gì?
Định nghĩa gỗ mfc
Gỗ mfc (Melamine Face Chipboard) là loại gỗ công nghiệp có cốt là ván dăm và bề mặt được phủ melamine – 1 loại giấy trang trí được sử dụng phổ biến cho các loại ván ép.
Cấu tạo của ván mfc
Gỗ mfc được cấu tạo từ cốt gỗ ván dăm và tấm phủ bề mặt melamine.
– Cốt gỗ ván dăm
Nguyên liệu chính để làm gỗ ván dăm (hay ván okal) là các loại gỗ rừng trồng ngắn ngày như keo, cao su, bạch đàn,… và phế liệu gỗ trong quá trình chế biến (bìa bắp, phoi bào, mùn cưa…). Ngoài ra, còn có thể sử dụng các loại thực vật mà trong thành phần cấu tạo có chứa Lignin và Cellulose. Chẳng hạn như rơm rạ, bã mía, thân cây bông, cây lanh hay cây gai dầu.
Thành phần của ván dăm bao gồm khoảng 80% gỗ, 9 – 10% keo Urea Formaldehyde (keo UF), 7 – 10% nước và dưới 0,5% thành phần khác như Parafin, chất làm cứng,…
– Bề mặt trang trí Melamine
Melamine là 1 loại giấy trang trí ép lên tấm vật liệu gỗ công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất đồ nội thất gỗ. Về bản chất, đây là một loại giấy nền được tạo vân, tạo màu sắc để phù hợp với xu hướng nội thất, đáp ứng nhu cầu về cả công năng và tính thẩm mỹ cao cho các sản phẩm.
Quy trình sản xuất ván mfc
Là loại vật liệu công nghiệp phổ biến trong thiết kế nội thất, một tấm ván mfc hoàn chỉnh được tạo thành sau khi trải qua quy trình 3 bước.
Bước 1. Sản xuất ván dăm
Ván dăm là cốt gỗ của van mfc. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tấm ván. Do vậy, đây là bước quan trọng và được kiểm tra kỹ thuật kỹ lưỡng.
Đầu tiên, nguyên liệu thô (những thân gỗ, cành, ngọn, và các bìa bắp, đầu mẩu,…) được đưa vào máy nghiền chuyên dụng thành các dăm nhỏ có kích thước khác nhau. Chúng được sấy ở nhiệt độ quy định rồi được sàng lọc theo kích thước trước khi được trộn đều với các chất kết dính và các chất phụ gia.
Bước 2: Tạo hình ván dăm theo yêu cầu
Hỗn hợp các dăm gỗ và chất kết dính sau đó được đưa vào công đoạn tạo hình dựa trên các thông số về độ dày và mật độ. Sau khi ván đã được định hình theo tiêu chuẩn, chúng được đưa vào ép sơ bộ và tiếp đến là ép nóng dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.
Tiếp đến, các cạnh ván được xén bỏ các phần lỗi, cạnh và bề mặt ván được mài nhẵn và đem đi kiểm định chất lượng trước khi được ép bề mặt trang trí melamine lên trên.
Bước 3: Ép bề mặt trang trí Melamine
Khi tấm ván dăm đã hoàn thiện, người ta sẽ phủ lên đó 1 lớp giấy trang trí melamine để bảo vệ cốt gỗ và tạo tính thẩm mỹ cho ván. Sau công đoạn này, thành phẩm là những tấm ván mfc được tạo thành.
Phân loại van mfc
Người ta thường phân loại ván mfc theo các tiêu chí cụ thể. Trong đó, 3 cách phân loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phân loại theo kích thước, phân loại theo đặc tính và phân loại theo bề mặt.
Phân loại theo kích thước
Loại chuẩn
Ván mfc có 3 kích thước tiêu chuẩn tại Việt Nam là loại kích thước nhỏ, loại vừa và loại lớn.
Loại vượt khổ
Ngoài 3 kích thường tiêu chuẩn trên, để đáp ứng được nhu cầu thiết kế các sản phẩm có bề mặt lớn, đa dạng hóa các ý tưởng, các loại ván có kích thước vượt khổ cũng được sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.
Phân loại theo đặc tính
Cách phân loại này phụ thuộc vào đặc tính của cốt gỗ ván dăm trong gỗ mfc.
Gỗ mfc thường
Loại này sử dụng ván dăm thường ép melamine. Chúng có độ cứng và độ giòn cao, khả năng chịu nước kém nên thường được ứng dụng trong đồ nội thất văn phòng. Gỗ mfc thường có màu vàng nâu tự nhiên của gỗ.
Ván MFC loại thường có khoảng 80 màu từ đen, trắng, xám nhạt, xám chì cho đến tất cả các màu vân gỗ như sồi, tần bì, óc chó, Gõ đỏ, Nu vàng, Nu đỏ, Gỗ sồi sọc, Sồi kỹ thuật, Tần bì giả cổ, Trắc, Mun hay các màu vân gỗ hiện đại… trông giống như gỗ thật.
Gỗ mfc chống ẩm
Để tăng cường khả năng chống ẩm cho ván thì Melamine thường được thêm vào keo UF (còn gọi là keo MUF – Urea Formaldehyde biến tính bằng Melamine). Khi đó, ván chống ẩm được hình thành. Loại ván này có lõi được nhuộm màu xanh để giúp khách hàng có thể dễ dàng nhận biết và phân biệt với những loại ván khác.
Vẫn có 80 màu như MFC loại thường, MFC chống ẩm được sử dụng tại nơi có độ ẩm cao như cho tủ bếp, tủ toilet, vách toilet, vách ngăn phòng, không gian phòng thí nghiệm, trường học, những nơi ẩm ướt v.v. nhờ có đặc tính chống ẩm tốt.
Cách để phân biệt MFC loại thường và loại chống ẩm đó là MFC chống ẩm thường nặng hơn MFC loại thường khoảng 40 đến 60kg/m³. Loại chống ẩm sẽ có lõi màu xanh và tổng trọng lượng khoảng 740 đến 760 kg/m³.
Gỗ mfc chống cháy
Để tăng cường khả năng chống cháy cho ván mfc thì thạch cao và xi măng đôi khi được dùng làm chất kết dính. Ván chống cháy có lõi màu đỏ, được ứng dụng nhiều trong các công trình công cộng hay những nơi dễ cháy trong nhà ở như bếp nấu.
Phân loại theo bề mặt trang trí melamine
Nếu lấy bề mặt làm tiêu chí phân loại thì gỗ mfc bao gồm 3 loại chính là gỗ mfc vân đơn sắc, mfc vân gỗ và mfc vân đá. Mỗi loại bề mặt này đều có phong cách riêng, thích hợp với từng loại không gian riêng và theo sở thích của mỗi người. Melamine đơn sắc hiện đại, tinh tế; melamine vân gỗ thân thiện, gần gũi và melamine vân đá sang trọng, thanh lịch.
Ưu điểm của ván MFC
Ưu điểm đầu tiên mà ta thấy rõ ràng nhất ở các loại ván mfc là giá thành rẻ, dễ thi công và đa dạng về chủng loại. Khác với các đồ nội thất làm bằng gỗ tự nhiên có giá thành cao hơn nhiều, lại khó thi công và tạo hình nội thất.
Tiếp đó, van mfc còn có độ bền cao hơn gỗ tự nhiên. Với các loại nội thất làm bằng gỗ tự nhiên thì bạn luôn phải đắn đo, đau đầu xem làm cách nào để tránh mục nát, ẩm mốc, mối mọt. Ngay cả khi đã sơn Vecni hoặc chống thấm cũng không có hiệu quả hơn là bao.
Còn đối với các loại ván gỗ ép công nghiệp thì hoàn toàn ngược lại. Loại vật liệu này đã được pha trộn khá nhiều chất phụ gia và được phủ các lớp bảo vệ nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng mà không sợ hỏng hóc.
Mặt khác, nhờ vào các loại sơn và giấy dán về mặt nên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những kiểu nội thất làm từ ván mfc theo ý thích của mình. Bạn có thể lựa chọn rất nhiều chủng loại khác nhau hoặc đặt hàng thi công theo sở thích.
Cuối cùng, ván gỗ MFC cũng là một loại vật liệu thân thiện với môi trường. Nó góp phần giảm thiểu nạn chặt phá rừng thiên nhiên để lấy gỗ, giúp bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học.
Nhược điểm
Do là gỗ ép, được làm từ gỗ băm nhỏ nên những đồ nội thất bằng ván MFC hoàn toàn không thể chạm khắc hay tạo các họa tiết trang trí. Những người thích phong cách cầu kỳ, sang trọng chắc chắn sẽ không thích sử dụng loại gỗ này.
Thêm vào đó, gỗ ván công nghiệp cũng có độ bền hạn chế hơn những loại gỗ tự nhiên cao cấp như lim, sến, táu, …Đặc biệt là sau một thời gian dài sử dụng, các loại nội thất bằng gỗ van mfc sẽ không giữ được giá, trong khi đó các loại nội thất gỗ tự nhiên vẫn giữ được giá trị của mình, thậm chí còn cao hơn.
Ứng dụng của ván mfc trong thiết kế thi công nội thất
Vách ốp tường trang trí
Đây là ứng dụng của ván mfc phổ biến nhất. Hiện nay, không chỉ có việc làm đẹp cho nội thất mà việc trang trí tường nhà cũng được chú trọng rất nhiều. Vì vậy mà các loại ốp tường bằng van mfc được sử dụng rất nhiều.
Những bức tường được ốp ván mfc sẽ đẹp hơn rất nhiều và tạo được không gian hiện đại, ấm cúng cho không gian. Ngoài ra, do tính linh hoạt trong thi công của mình nên bạn hoàn toàn có thể thay thế, tháo lắp các miếng ván mfc ốp tường này một cách dễ dàng.
Tuy vậy, bạn vẫn cần lưu ý chọn các loại ván mfc ốp tường có khả năng chống chịu nước và chống mối mọt. Bởi khi ván gỗ bị mốc thì rất có thể sẽ lan đến mảng tường bên trong, rất khó để xử lý. Còn khi bị mối mọt thì sẽ làm dây bụi gỗ ra nhà, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nội thất văn phòng
Ngày nay, nhu cầu sử dụng các loại bàn làm việc, bàn họp, bàn giám đốc càng ngày càng tăng cao. Do đó, các loại nội thất văn phòng, đặc biệt là nội thất bằng gỗ ván công nghiệp rất được ưa chuộng. Với những không gian văn phòng, công sở thì việc sử dụng những loại nội thất bằng ván gỗ ép là vô cùng tiện lợi.
Thứ nhất là giá thành rẻ, có thể sử dụng và thi công số lượng lớn cho toàn bộ văn phòng công ty. Giá thành của nội thất gỗ ép công nghiệp sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các loại gỗ thịt tự nhiên khác.
Thứ hai là nhờ vẻ hiện đại, đơn giản của van mfc, văn phòng của bạn sẽ trở nên đẹp, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Hơn nữa, không gian văn phòng thì không yêu cầu các loại nội thất quá cầu kỳ, chạm trổ nhiều. Vì vậy mà những nội thất bằng ván mfc sẽ rất phù hợp.
Tủ bếp
Với các gian tủ bếp, việc sử dụng các loại ván gỗ công nghiệp để thi công là vô cùng cần thiết vì bếp là môi trường có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Do đó rất dễ dẫn đến việc tủ bếp bị cong vênh, co rút trong quá trình sử dụng. Các loại gỗ ép công nghiệp sẽ khắc phục những điều đó.
Bạn nên lưu ý sử dụng các loại tủ bếp có thể chống xước và chống va đập sẽ thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các mẫu tủ bếp giả vân gỗ hoặc giả chất liệu acrylic sẽ rất đẹp và đem đến cho gian bếp của bạn vẻ tiện nghi, hấp dẫn.
Nội thất chung cư
Thông thường những ngôi nhà chung cư sẽ mang vẻ hiện đại, sang trọng nên những loại vật liệu làm bằng gỗ công nghiệp sẽ rất tiện lợi. Bạn sẽ có một không gian vừa đẹp lại vừa tiết kiệm chi phí. Việc di chuyển, tháo lắp các đồ đạc cũng rất đơn giản khi bạn có nhu cầu chuyển nhà.
Không ai có thể phủ nhận công năng và tầm quan trọng của ván mfc trong cuộc sống ngày hôm nay. Hiểu được điều đó, bạn cần nắm rõ một số điều cơ bản để sử dụng loại chất liệu này một cách phù hợp. Hy vọng với bài viết của Rong Ba Group vừa rồi, bạn đã có thể chọn cho mình những loại van mfc phù hợp nhé!