Tự vệ gây thương tích cho người khác

Mặc dù hành vi phòng vệ chính đáng là hành động hợp pháp nhưng chỉ một hành động “vượt quá” cũng được xem là lỗi phòng vệ vượt quá giới hạn.

Vậy, tự vệ gây thương tích cho người khác có phạm tội không? Khi gây thương thích cho người khác với lỗi vượt giới hạn phòng vệ thì trách nhiệm như thế nào ? Luật Rong Ba tư vấn cụ thể như sau:

Hình phạt gây thương tích do phòng vệ chính đáng

Thưa Luật Rong Ba, tôi có trường hợp như sau mong được Luật Rong Ba tư vấn. Do mâu thuẫn cá nhân mà chồng tôi đã bị anh A đánh đập hành hung.

Khi nhìn thấy chồng bị đánh, tôi đã lấy cây gậy gỗ gần nhất đánh vào người anh A. Anh A sau đó đi giám định thương tích và tỷ lệ thương tích là 3%. Nay anh A có làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự gửi lên cơ quan công an.

Vậy mong Luật Rong Ba tư vấn cho tôi liệu hành vi đánh trả của tôi trong trường hợp này có vi phạm pháp luật không ?

Cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Về hành vi của bạn, trong trường hợp này cần xác định có phải là hành vi phòng vệ chính đáng hay không. Điều 22 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Như vậy trong trường hợp này, cần xác định cụ thể một số yếu tố để kết luận hành vi của bạn có phải là phòng vệ chính đáng hay không. Các yếu tố để xác định bao gồm:

– Thứ nhất, lợi ích của người có hành vi chống trả hoặc người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức đang bị xâm phạm. Trong trường hợp này, chồng bạn đang bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe nên yếu tố này có thể coi là thỏa mãn điều kiện.

– Thứ hai, hành vi chống trả là cần thiết. Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, cần phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại;…

Trong trường hợp của bạn, cần xem xét đến phương tiên, vũ khí mà anh A sử dụng để xâm hại sức khỏe của chồng bạn, mức độ thương tích mà anh A gây ra cho chồng bạn,…

– Thứ ba, người bị chống trả là người đang có hành vi xâm hại lợi ích của cá nhân, Nhà nước, cơ quan, tổ chức.

Do chưa đủ dữ liệu để đưa ra kết luận về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được chia ra các trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Nếu hành vi của bạn thỏa mãn được những yếu tố nêu trên và được kết luận là hành vi phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh A.

Trường hợp thứ hai: Hành vi của bạn là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Khoản 2 Điều 22 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, khi đó người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 136 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy với hành vi gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tỷ lệ tổn thương cơ thể phải từ 31% trở lên mới đủ đề cấu thành tội phạm.

Trong trường hợp của bạn, với hành vi gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà tỷ lệ tổn thương cơ thể là 3% thì cũng chưa đủ để cấu thành tội phạm. Khi đó, bạn sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho anh A nếu anh A có yêu cầu.

tự vệ gây thương tích cho người khác
tự vệ gây thương tích cho người khác

Trường hợp thứ ba: Hành vi của bạn có khả năng cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

…”

Với hành vi cố ý gây thương tích, nếu tỷ lệ tổn thương là 3% (dưới 11%) thì bạn chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các yếu tố quy định ở trên.

Nếu không có yếu tố nào, việc gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương là 3% có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;

đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;…”

Bên cạnh đó, tội phạm quy định tại Điều 134 và 136 Bộ Luật hình sự năm 2015 thuộc nhóm những tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Điều này được quy định tại Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Theo đó, cơ quan điều tra chỉ được quyền khởi tố vụ án hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố. Trong trường hợp này, bị hại là anh A và anh A đã gửi đơn yêu cầu.

Tuy nhiên, nếu bạn có thể thỏa thuận với anh A và thuyết phục anh A rút yêu cầu thì cơ quan điều tra sẽ phải đình chỉ vụ án.

Sau khi anh A rút yêu cầu một cách tự nguyện theo ý chí của mình, thì anh A sẽ không có quyền yêu cầu lại để khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội.

Ngoài ra, anh A cũng có những hành vi xâm phạm đến sức khỏe của chồng bạn, do đó chồng bạn cũng nên đi xác định tỷ lệ tổn thương do hành vi của anh A và tố cáo trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chồng bạn.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về tự vệ gây thương tích cho người khác. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về tự vệ gây thương tích cho người khác và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin