Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, bên cạnh các tin báo, tố giác về tội phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiến nghị khởi tố thì tự thú cũng là một trong số các căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào để giải quyết vụ án hình sự. Vậy tự thú là gì? Sau đây, bài viết của Công ty Luật Rong Ba về tự thú sẽ cung cấp các thông tin giúp cho mọi người tiếp cận pháp luật về quy định này, hơn hết có thể dễ dàng phân biệt tự thú với đầu thú.
Tự thú là gì?
Căn cứ theo điểm h khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung 2021: “ Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.”
Như vậy tự thú là hành động tự nguyện của người có hành vi phạm tội đó tự mình đến cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức để khai báo về tội phạm trước khi tội phạm bị phát hiện để cơ quan tổ chức có thẩm quyền tiến hành điều tra xác minh và giải quyết nếu thực sự có hành vi phạm tội xảy ra. Trường hợp bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.
Các quy định của pháp luật về tự thú
Căn cứ theo quy định của Pháp luật hiện hành, tự thú là một trong các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điểm này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam nói chung và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.
Theo Điểm c khoản Điều 29 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: “Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”
Quy định trên đã giúp cho người thực hiện tội phạm nếu ăn năn hối lỗi và góp phần sửa chữa lỗi lầm có thể được pháp luật khoan hồng xem xét cho miễn trách nhiệm hình sự. Đây cũng được coi là yếu tố nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đối với việc tiếp nhận người phạm tội tự thú tại Điều 152 của BLTTHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định:
“Điều 152. Người phạm tội tự thú, đầu thú
1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.
2. Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú, đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Có thể tham khảo mẫu biên bản được quy định trong Thông tư 61/2017/TT-BCA:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–
BIÊN BẢN
TIẾP NHẬN NGƯỜI PHẠM TỘI RA TỰ THÚ/ĐẦU THÚ (1)
Hồi ………. giờ ………… ngày….. tháng …… năm …… tại …………….
Chúng tôi gồm:
Ông/bà: ………………………………………………………………………………………
Chức vụ: ……………………………………………………………………………………..
Ông/bà: ………………………………………………………………………………………
Ông/bà: ………………………………………………. là người chứng kiến.
Căn cứ Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự, tiến hành lập biên bản về việc người thực hiện hành vi phạm tội ra tự thú/đầu thú đối với:
Họ tên: …………………………………………….. Giới tính: …………………………
Tên gọi khác: ………………………………………………………………………………
Sinh ngày ………… tháng ……….. năm ………………… tại: ……………………
Quốc tịch: …………………………………………; Dân tộc: ………………………………………………; Tôn giáo: …………
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………..
Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu: …………………………………………………..
cấp ngày………… tháng ………… năm ………………. Nơi cấp: ………………
Nơi cư trú: …………………………………………………………………………………
(2) …………………………………………………………………………………………….
(1) Mẫu dùng khi người phạm tội đến tự thú hoặc đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản theo khoản 1 Điều 152 BLTTHS;
(2) Nội dung: Ghi tóm tắt diễn biến sự việc, lời khai của người tự thú/đầu thú và những đồ vật, tài liệu thu giữ; nếu là đồ vật, tài liệu cần niêm phong thì phải niêm phong tại chỗ và ghi vào biên bản.
………………………………………………………………………………………………….
Tình trạng sức khỏe của người phạm tội ra tự thú/đầu thú (3):
…………………………………………………………………………………………………
Việc tiếp nhận người phạm tội ra tự thú/đầu thú kết thúc vào hồi …………. giờ …………………………. ngày…………tháng………….năm
Biên bản đã đọc cho những người có tên trên nghe, công nhận đúng và cùng ký tên xác nhận dưới đây. Biên bản được lập thành hai bản đưa vào hồ sơ vụ án.
NGƯỜI PHẠM TỘI TỰ THÚ/ĐẦU THÚ |
NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN |
NGƯỜI CHỨNG KIẾN |
(3) Sức khỏe bình thường hoặc có thương tích, bệnh lý.
Thủ tục giải quyết người phạm tội tự thú
Người phạm tội có thể đến Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc bất kỳ cơ quan nào để tự thú. Ví dụ: trụ sở UBND xã, trị sở Mặt trận Tổ quốc để tự thú, đầu thú. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan Điều tra hoặc Viện kiểm sát.
Lời tự thú của người phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tố tụng sau này nên biên bản tiếp nhận phải được ghi rõ và đầy đủ về nhân thân cũng như lời khai của người tự thú về hành vi phạm tội của mình.
Điều luật quy định trách nhiệm thông báo của cơ quan, tổ chức tiếp nhận đối với Cơ quan Điều tra hoặc Viện kiểm sát giúp cho các cơ quan, tổ chức sau khi tiếp nhận người tự thú biết được các hoạt động phù hợp cần thực hiện cũng như tăng cường trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan, tổ chức trong xã hội.
Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC:
“Điều 7. Tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.”
Như vậy, quy định trường hợp tự thú trong pháp luật là thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta, đây còn là quy định mang tính phòng ngừa tích cực. Hành vi tự thú không chỉ giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm tìm ra tội phạm và ngăn chặn được những hành vi tiếp tục thực hiện tội phạm mà còn tác động tích cực đến những đối tượng khác đã hoặc đang có hành vi phạm tội, làm cho các đối tượng này phải hoang mang, dao động mà tự kiềm chế các hành vi và ý đồ thực hiện tội phạm của mình; tự thú còn có ý nghĩa tích cực ở chỗ, làm giảm bớt những chi phí cần thiết cho việc điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội; rút ngắn thời hạn thực hiện các hành vi tố tụng. Vì những ý nghĩa đó, pháp luật tố tụng hình sự của nước ta, luôn khuyến khích bị can, bị cáo tự thú.
Phân biệt Tự Thú với Đầu Thú
Tại Điểm i khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định: “Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.”
Giống nhau :
Sự giống nhau giữa đầu thú và tự thú đó là những hành động của người có những hành vi phạm tội và người sẽ có hành vi phạm tội đó tự mình đến cơ quan có thẩm quyền khai báo hoặc có thể là khai báo tại cơ quan chức năng để được xem xét có những tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng của pháp luật, xử lý theo quy định của pháp luật
Khác nhau:
Tự thú |
Đầu thú |
|
Căn cứ pháp lý |
Điểm h, khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2021 Điều 29, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. |
Điểm i, khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. |
Khái niệm |
Là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện |
Là sau khi bị phát hiện, người phạm tội đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. |
Đặc điểm |
Nhận tội khi chưa ai biết mình phạm tội hoặc đã có người biết hành vi phạm tội nhưng chưa xác định được chủ thể thực hiện hành vi. |
Đã có người biết mình thực hiện hành vi phạm tội |
Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự |
Được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự |
Không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trong quá trình điều tra, xét xử việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tòa án. Việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải được ghi rõ trong bản án. |
Miễn trách nhiệm hình sự |
Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận |
Không được miễn trách nhiệm hình sự |
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về tự thú. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về tự thú và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.