Trốn thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào các khoản thu nhập chịu thuế, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý liên quan đến quá trình tạo ra TNDN. Ngoài các doanh nghiệp thông thường, thuế TNDN cũng được điều chỉnh để mở rộng khoản thu đối với hợp tác xã. Hiện nay, xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là trốn thuế thu nhập doanh nghiệp?

Có thể hiểu hành vi gian lận thuế, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp là hành vi thiếu trung thực, cố ý làm sai lệch thông tin liên quan đến việc tính thuế TNDN để không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế TNDN được ưu đãi, miễn giảm.

Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Tuy nhiên về bản chất, hầu hết các cách thức gian lận, trốn thuế thu nhập này có điểm chung là đều dựa trên nguyên tắc giảm tối đa thu nhập chịu thuế so với thu nhập thực tế thông qua làm giảm doanh thu hoặc tăng chi phí hoặc cả hai khi thực hiện kê khai thuế.

Tiêu biểu như một số nhóm hành vi sau: Nhóm hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến việc nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế; nhóm hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn bất hợp pháp; nhóm các hành vi liên quan đến việc ghi chép sai lệch, không đầy đủ, chính xác các nghiệp vụ kinh tế phát sinh từ sổ kế toán…

Một số hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể

Hành vi gian lận liên quan đến hóa đơn, chứng từ

Khấu trừ thuế GTGT của các hóa đơn bất hợp pháp: Hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn hết giá trị sử dụng; hóa đơn không do cơ quan thuế phát hành; hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn của các DNNVV sau thời điểm cơ quan thuế ra thông báo DN bỏ địa chỉ kinh doanh…

Chia nhỏ gói thanh toán bằng nhiều hóa đơn: DNNVV đã chủ động “chia nhỏ” giá trị thanh toán thành nhiều hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu, rải thành nhiều ngày trả tiền khác nhau, ghi hình thức thanh toán là “tiền mặt” để được khấu trừ thuế, đồng thời tránh bị kiểm soát khi thanh toán qua ngân hàng.

Khấu trừ vượt mức quy định:

Trường hợp này liên quan đến khấu trừ thuế của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi: DNNVV vẫn khấu trừ toàn bộ thuế GTGT tương ứng của phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng, “che mắt” cơ quan thuế bằng cách ghi sai tên chủng loại, tên hiệu tài sản trên Sổ tài sản cố định (211) bằng các thương hiệu khác giá trị thấp hơn.

Khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa hủy, hàng trả lại: Một số DNNVV đã không ghi rõ nội dung nghiệp vụ là “hàng hủy”, “hàng trả lại” mà cố tình ghi chung chung là “thuế GTGT của Công ty A, công ty B…” để khấu trừ thuế.

Khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa – dịch vụ không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Có DNNVV cố tình không phân bổ hoặc phân bổ sai thuế GTGT đầu vào cho mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế, mục đích là để tăng khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các trường hợp mua hàng biếu tặng, thưởng, quà lưu niệm, hoặc chi trang phục vượt định mức, hoặc kê khai khấu trừ các hóa đơn mang tên, mã số thuế của công ty nhưng thực chất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho cá nhân, gia đình như máy điều hòa, ti vi, tủ lạnh…

Kê khai trước thời điểm có chứng từ nộp NSNN:

Trường hợp này thường liên quan đến các lô hàng nhập khẩu; Cá biệt có một số DNNVV không kê khai thuế GTGT theo Giấy nộp tiền vào NSNN mà kê khai theo Tờ khai hải quan, làm sai lệch kỳ số thuế GTGT được khấu trừ, hoặc phản ánh không đúng số thuế GTGT phát sinh phải nộp.

Thành lập doanh nghiệp “ma”.

Doanh nghiệp “ma” là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng thực tế không sản xuất kinh doanh, chỉ nhằm mục đích đủ điều kiện để được phát hành hoá đơn, từ đó bán hóa đơn cho các đối tượng khác hoặc trung gian lập hoá đơn mua bán khống, lập hồ sơ giả mạo để xin hoàn thuế.

Mức độ thiệt hại do những hoá đơn trôi nổi này gây ra rất khó kiểm soát, hoàn toàn phụ thuộc vào số chi phí đầu vào cần hợp thức hoá của doanh nghiệp mua bán hoá đơn.

Dẫn lại báo cáo đánh giá phân tích tài chính của doanh nghiệp dân doanh năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020 gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết một số vấn đề bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp dân doanh sau đăng ký thành lập. Trong năm 2019, toàn quốc có hơn 77 nghìn doanh nghiệp dân doanh chấm dứt hoạt động. Theo đó, số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là gần 50 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 64,61%.

Các doanh nghiệp này thường có hành vi vi phạm là không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, doanh nghiệp “ma” ra đời nhằm mục đích mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật. Sau khi cơ quan thuế ban hành thông báo về việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.

Tình trạng này xảy ra chủ yếu do quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều kẽ hở. Khoản 2, Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể 7 nhóm đối tượng không có quyền thành lập và điều hành doanh nghiệp nhưng trong Điều 19 đến Điều 23 về hồ sơ đăng ký kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp lại không đòi hỏi những điều kiện gì để chứng minh người đăng ký kinh doanh không thuộc 7 nhóm đối tượng trên.

Như vậy, sơ hở đầu tiên của thủ tục lập doanh nghiệp là không có quy định về “bộ lọc”, hay nói cách khác là không có kiểm tra nhân thân người đứng tên lập doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, giám đốc điều hành doanh nghiệp. Trong thực tế, khai thác được sơ hở ấy, những kẻ có ý định lừa đảo hay làm ăn gian dối đã mướn những tên tội phạm, những người tâm thần, người đang ở tù, người nghiện ma tuý v.v… để đứng tên lập doanh nghiệp, đứng tên làm giám đốc, làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

trốn thuế thu nhập doanh nghiệp
trốn thuế thu nhập doanh nghiệp

Khi sự việc vỡ lở, cơ quan pháp luật không tìm được những người này, hoặc có đưa họ ra toà cũng khó xử được vì theo pháp luật họ là những người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22, 24 Bộ Luật Dân sự 2015).

Doanh nghiệp tìm cách tăng giá vốn hàng bán

Mhất là các doanh nghiệp được hưởng chiết khấu do mua hàng với số lượng lớn; giá vốn sai còn do xác định giá trị sản phẩm dở dang, cũng như giá trị hàng tồn kho không đúng. Có doanh nghiệp vừa và nhỏ trên bảng xuất – nhập – tồn thời điểm cuối năm (ngày 31/12) không có hàng tồn kho nhưng vẫn xuất bán hàng hóa. Một số doanh nghiệp không đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ (kể cả giá trị xây lắp), không phân bổ chi phí thu mua cho hàng tồn kho, chi phí công cụ, dụng cụ mà kết chuyển hết vào chi phí trong kỳ, nhằm tối đa giá vốn.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, giá vốn còn được nâng lên qua thủ thuật xây dựng định mức vật tư cho một đơn vị sản phẩm cao hơn thực tế, nhằm làm tăng chi phí nguyên vật liệu, hoặc không xây dựng định mức vật tư hạch toán chi phí tiêu hao nguyên vật liệu cho sản xuất vượt định mức do lợi dụng những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tự xây dựng và quyết toán định mức, vì hiện nay chỉ một vài ngành là có định mức sản xuất như: Xây dựng, cầu đường, xăng dầu, dệt may… còn lại phần lớn chưa có định mức chung.

Việc gian lận về giá nguyên vật liệu “kín đáo” hơn khi doanh nghiệp vừa và nhỏ thỏa thuận với nhà cung cấp nâng báo giá nguyên vật liệu đầu vào (hóa đơn đúng như báo giá); trong khi đó nguyên liệu cùng loại có giá thị trường thấp hơn nhiều.

Chuyển giá trong các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản. Hình thức chuyển giá phổ biến của nhiều công ty đa quốc gia là đặt công ty mẹ ở quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, rồi mua bán hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào với công ty con tại Việt Nam với giá cao.

Giá nguyên liệu đầu vào cao, không ít doanh nghiệp còn tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại) để “không có lãi nộp thuế” tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường khai giá chi phí đầu vào cao bất thường.

Như Coca Cola khai giá hương liệu đầu vào nhập từ công ty mẹ cao hơn so với nguyên liệu của công ty giải khát trong nước, đẩy mạnh các chi phí quảng cáo…nên gần 20 năm qua doanh nghiệp này luôn báo lỗ. Tháng 2/2021, Tổng cục Thuế cũng đã bác khiếu nại của doanh nghiệp này và yêu cầu chấp hành quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế với số tiền hơn 821 tỷ đồng do vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường tăng chi phí bằng cách quảng cáo, khuyến mại và tận dụng việc này để tuyên truyền quảng cáo cho cả công ty mẹ, để “tiêu” hết lợi nhuận, không phải nộp thuế.

Hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp có thể bị chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồnghoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin