Tội vô ý gây thương tích

Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đã được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự được thực hiện do lỗi cố ý (có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp). Tuy nhiên trên thực tế, hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác còn có thể do lỗi vô ý gây ra. Đây là trường hợp có mức độ ít nguy hiểm hơn tội giết người với lỗi cố ý. Do đó, pháp luật đặt ra quy định riêng đối với trường hợp vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu về tội vô ý gây thương tích qua bài viết dưới đây.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Điều 138 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

DẤU HIỆU PHÁP LÝ TỘI VÔ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC

Khách thể của tội phạm

Hành vi phạm tội ở đây là hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Tức là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe của con người đã bị xâm phạm trái phép. Do đó, khách thể của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, quyền được nhà nước bảo hộ về thân thể, sức khỏe của con người.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi phạm tội thuộc mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành động do cẩu thả hoặc quá tự tin mà gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân.

Người phạm tội  phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc v.v… Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên pháp luật quy định mức độ tổn thương cơ thể của nạn nhân trong tội này (31%) cao hơn so với mức độ tổn thương cơ thể của nạn nhân trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây hậu quả cho sức khỏe người khác tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (11%).

Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên mới bị coi là phạm tội. Nếu mức độ thương tật từ 30% trở xuống thì không phạm tội, chỉ bị xử lý hành chính, giải quyết bồi thường dân sự. Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Trong một số trường hợp, hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng do vi phạm các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà được các điều luật cụ thể quy định thì không phạm tội theo Điều 138 mà truy tố theo các tội tương ứng. Ví dụ, tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139).

Tội phạm hoàn thành khi hậu quả thương tật của cơ thể nạn nhân từ 31% trở lên xảy ra. Giữa hành vi của người phạm tội và hậu quả thương tật của nạn nhân là mối quan hệ nhân quả. Thương tật của nạn nhân phải xuất phát từ nguyên nhân là hành vi phạm tội của người phạm tội.

Chủ thể của tội phạm

Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thực hiện bởi bất kỳ người nào đủ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, tội Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thực hiện bởi bất kỳ cá nhân nào. Đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không quốc tịch.

tội vô ý gây thương tích
tội vô ý gây thương tích

Thứ hai, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự nhưng không có quy định tội phạm tại Điều 138. Như vậy người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về tội vô ý gây thương tích và gây hậu quả cho sức khỏe người phạm tội. Theo khoản 1 Điều 12, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm. Như vậy người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện  hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Thứ ba, người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Tức là người đó phải có cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Nếu người đó phạm tội trong trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực hình sự thì có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan là yếu tố đặc biệt phân biệt giữa tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý. Theo Điều 11 Bộ luật hình sự, vô ý ở đây gồm vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.

Vô ý do cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề.v.v… Như vậy vô ý do cẩu thả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là trường hợp người phạm tội vì cẩu thả nên đã không nhìn thấy trước hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân mặc dù pháp luật yêu cầu họ phải thấy trước hậu quả đó.

Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra. Từ đây, có thể hiểu vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do quá tự tin là trường hợp người phạm tội hoàn toàn thấy trước được hậu quả thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân nhưng do chủ quan, quá tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra nên vẫn thực hiện hành vi đó, kết quả hậu quả đó vẫn xảy ra.

HÌNH PHẠT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI VÔ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC

Điều 138 Bộ luật hình sự quy định 03 khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

– Khung hình phạt phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm áp dụng trong trường hợp người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

– Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm áp dụng trong trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Trường hợp này người phạm tội chỉ gây thương tật hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người nhưng mức độ thương tật lại rất cao (trên 61%). Do đó, hình phạt đối với họ cũng nặng hơn.

– Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Căn cứ quy định trên, cả 03 khung hình phạt của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đều thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về tội vô ý gây thương tích. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về tội vô ý gây thương tích và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin