Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định tại Điều 343 BLHS năm 2015

Căn cứ pháp lý

Điều 343 BLHS năm 2015 quy định tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở như sau:

“Điều 343. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở

1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 343 BLHS năm 2015

Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở là hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc xây dựng nhà trái phép.

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính về nhà ở của Nhà nước.

Các quy định của Nhà nước về quản lý nhà thì có nhiều nhưng người phạm tội chỉ xâm phạm đến các quy định về chỗ ở, về xây dựng nhà ở, còn các quy định khác về nhà không phải là nhà ở thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội phạm này.

Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định tại Điều 343 BLHS năm 2015
Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định tại Điều 343 BLHS năm 2015

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 02 hành vi: chiếm dụng chỗ ở trái phép hoặc hành vi xây dựng nhà ở trái phép.

Chiếm dụng chỗ ở trái phép là hành vi lén lút hoặc ngang nhiên vào chỗ ở của người khác và sử dụng như chỗ ở của mình như: vào ở nhà vắng chủ không được phép của chủ nhà hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nhảy dù). Hoặc cũng có thể là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực đuổi người khác ra khỏi nhà rồi vào nhà đó để ở; lừa dối chủ nhà để chủ nhà ra khỏi nhà rồi vào nhà đó để ở; lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, dọn đồ đạc của chủ nhà ra khỏi nhà rồi dọn đò của mình vào nhà đó ở…

Chiếm dụng là chiếm và sử dụng như là của mình. Nều chỉ chiếm mà không sử dụng thì không thuộc trường hợp vi phạm quy định về quản lý nhà mà tuỳ trường hợp họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự.

Chỗ ở được hiểu là nơi con người sinh sống, sinh hoạt hàng ngày, bao gồm: nhà ở và các công trình phụ như: bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm…; chỗ ở còn là những nơi ở thường xuyên của một người, một gia đình mà đó được coi như là nhà ở như: Tầu, thuyền, giường ngủ trong khu ký túc xá sinh viên…

Xây dựng nhà ở trái phép là hành vi làm nhà ở mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc không đúng với giấy phép trong trường hợp Nhà nước quy định việc làm nhà ở phải có giấy phép. Việc xây dựng nhà ở trái phép chỉ có thể xảy ra trong trường hợp Nhà nước quy định việc xây dựng nhà ở phải xin phép, còn đối với những nơi việc làm nhà của người dân không cần phải xin phép thì không xảy ra hành vi này.

Xây dựng nhà ở trái phép còn bao gồm cả hành vi sửa chữa nhà đang được sử dụng vào mục đích khác thành nhà ở không được phép như: Sửa văn phòng làm việc, trường học, trụ sở cơ quan thành nhà ở; sửa đình, chùa, miếu, nhà thờ thành nhà ở…

Hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi khách quan của bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý nhà ở khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm quản lý về nhà ở lần đầu, tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật; kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kĩ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Đối với tội phạm này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của minh là chiếm dụng chỗ ở của người khác hoặc hành vi của mình là hành vi xây dựng nhà trái phép, mặc dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Việc nhà làm luật quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm” là thể hiện sự cố ý của người phạm tội rồi.

Hình phạt tại Điều 343 BLHS năm 2015

Điều 343 Bộ luật Hình sự quy định 02 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 343 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin