Tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 370 BLHS năm 2015

Căn cứ pháp lý

Điều 370 BLHS năm 2015 quy định tội ra bản án trái pháp luật như sau:

“Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật

1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;

d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 370 BLHS năm 2015
Tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 370 BLHS năm 2015

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 370 BLHS năm 2015

Khách thể của tội phạm

Ra bản án trái pháp luật là ban hành bản án mà Thẩm phán hoặc Hội thẩm biết rõ là trái pháp luật.

Tội ra bản án trái pháp luật không chỉ xâm phạm đến uy tín của Toà án, mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân.

Đối tượng tác động của tội phạm này là bản án. Bản án là một văn bản tố tụng do Thẩm phán, Hội thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành bao gồm: bản án hình sự, bản án dân sự, bản án hôn nhân và gia đình, bản án kinh tế, bản án lao động và bản án hành chính.

Cũng coi là đối tượng tác động của tội phạm này, đối với các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, bởi lẽ tuy tên văn bản là “quyết định” nhưng toàn bộ nội dung của nó không khác gì bản án.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và uy tín của Tòa án.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật.

Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật có thể bằng cách viết ra, tuyên án, ban hành bản án mà biết rõ là trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu mới viết ra nhưng chưa tuyên án, chưa ban hành thì chưa phải là ra bản án.

Bản án được ví như là sản phẩm cuối cùng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng đó là kết quả trực tiếp của hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử. Do đó trách nhiệm trực tiếp đối với bản án là của các thành viên của Hội đồng xét xử. Vì là “sản phẩm” nên bản án phải là một văn bản có giá trị thi hành, nếu mới viết ra (soạn thảo) mà chưa tuyên đọc hoặc chưa ban hành thì chưa coi là đã “ra bản án”, mà đó chỉ là dự thảo bản án. Trường hợp bản án đã được thông qua trong phòng nghị án, có đủ các chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử nhưng vì lý do nào đó mà bản án đó chưa được tuyên đọc, chưa được ban hành, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức có liên quan chưa nhận được và toàn các quyết định của bản án đó chưa được thi hành thì là trường hợp phạm tội chưa đạt.

Hậu quả là bản án được tuyên trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.

Một bản án bị coi là trái pháp luật khi bản án đó vi phạm về mặt hình thức hoặc vi phạm về nội dung:

– Về hình thức: Có sự vi phạm nghiêm trọng về thành phần Hội đồng xét xử, xét xử sai thẩm quyền hay không tuân theo đúng thủ tục tố tụng,…

– Về nội dung: Áp dụng sai căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án hoặc áp dụng sai quan hệ pháp luật dẫn đến kết quả xử lý sai.

Tuy nhiên hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm bán án trái pháp luật được tuyên án.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt và đặc biệt hơn nữa là chỉ có Thẩm phán hoặc Hội thẩm (Hội thẩm nhân dân hoặc Hội thẩm quân dân) mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội ra bản án trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc ra bản án của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Điều luật quy định “biết rõ là trái pháp luật” tức là, người phạm tội phải biết rõ bản án mà mình ban hành là trái pháp luật; nếu vì lý do khách quan hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà Thẩm phán, Hội thẩm không biết rõ là trái pháp luật thì không phạm tội ra bản án trái pháp luật.

Hình phạt tại Điều 370 BLHS năm 2015

Điều 370 Bộ luật hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;

d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 370 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin