Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 335 BLHS năm 2015

Căn cứ pháp lý

Điều 335 BLHS năm 2015 quy định tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

“Điều 335. Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”

Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 335 BLHS năm 2015
Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 335 BLHS năm 2015

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 335 BLHS năm 2015

Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi ngăn cản, gây khó khăn cho việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, việc gọi nhập ngũ hoặc việc gọi tập trung huấn luyện.

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này hoàn toàn giống với khách thể của tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì nó chính là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương, chính sách nghĩa vụ quân sự bị xâm phạm cũng được giới hạn bởi chính sách về đăng ký nghĩa vụ quân sự; chính sách về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là tìm cách ngăn lại làm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Tuy nhiên, hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như hành vi làm trái việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà hành vi cản trở được thực hiện như sau:

Cản trở quy định về gọi nhập ngũ là hành vi tìm cách ngăn lại làm cho việc gọi nhập ngũ khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Ví dụ: Vì không muốn cho con nhập ngũ, nên T đã đưa con trai là A đã có lệnh gọi ngập ngũ vào Đà Lạt chơi và ở tại Đà Lạt đến sau thời gian gọi nhập ngũ T mới đưa con về. Trường hợp A không biết mình được gọi nhập ngũ thì A không bị truy cứu trách nhiệm về tội trốn tránh nghĩa vụ và T sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cản trở quy định về gọi tập trung huấn luyện là hành vi tìm cách ngăn lại làm cho việc gọi tập trung huấn luyện khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Ví dụ, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng. Tuy nhiên, A là người phụ trách đơn vị dự bị động viên đã bỏ việc huấn luyện để trực tiếp thăng cấp cho hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.

Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội này. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Cố ý cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Hình phạt tại Điều 335 BLHS năm 2015

Điều 335 Bộ luật Hình sự quy định 02 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 335 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin