Thừa phát lại trong thi hành án dân sự

Thừa phát lại trong thi hành án dân sự

Thừa phát lại ngày càng trở nên quen thuộc. Trên thực tế, các dịch vụ pháp lý liên quan đến các công tác thi hành án dân sự mà Thừa phát lại cung cấp dần trở thành lựa chọn tối ưu cho các khách hàng.

Đồng thời, Thừa phát lại còn góp phần san sẻ một phần trách nhiệm, áp lực công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự. Vậy thừa phát lại trong thi hành án dân sự được quy định thế nào. Bài viết về thừa phát lại trong thi hành án dân sự của Rong Ba giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận pháp luật về quy định này.

Căn cứ pháp lý

– Nghị định 08/2020/NĐ-CP tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Thừa phát lại là gì?

Theo quy định của pháp luật, thuật ngữ chính xác nhất được dùng cho chế định này phải là “Thừa phát lại”. Nội hàm của tên gọi này được xác định chi tiết tại khoản 1, điều 2 nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau: “ Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

Như vậy, thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Một mặt thừa phát lại không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước, nhưng mặt khác, thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Vi bằng là gì?

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP:

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Tống đạt là gì?

Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CPquy định:

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan

Thừa phát lại trong thi hành án dân sự

Thừa phát lại trong thi hành án dân sự là việc thừa phát lại, Văn phòng thừa phát lại căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự qua đó hiện thực hóa các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực của pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội nhằm bảo đảm thực thi công lý, công bằng xã hội.

Đặc điểm của thừa phát lại

– Thừa phát lại là người đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện một số công việc theo quy định của pháp luật.

– Thừa phát lại là người hành nghề tự do, không phải là công chức, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoạt động không theo chế độ công vụ nhưng khi thực hiện một số công việc nhất định lại có quyền như những cán bộ công chức.

– Thừa phát lại thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự chỉ được thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật cho phép liên quan đến thi hành án dân sự như: tống đạt văn bản, giấy tờ, xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án dân sự.

– Thừa phát lại hoạt động theo những quyên tắc về quy chế hoạt động, đạo đức nghề nghiệp mà pháp luật quy định, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vai trò của thừa phát lại trong thi hành án dân sự

– Hoạt động của thừa phát lại nhằm bảo đảm lợi ích nhà nước, tổ chức và cá nhân được xúc tiến thực hiện đồng thời, song song và đúng pháp luật. Mục tiêu dân chủ hóa tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh xung đột lợi ích dẫn đến khiếu kiện nhiều cấp của người dân.

– Thực hiện chủ trương “xã hội hóa hoạt động tư pháp” của Đảng, tạo cơ chế để người dân tăng cường tính chủ động, tích cực trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính. Việc lập vi bằng, tạo tính pháp lý của chứng cứ giúp người dân có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong tố tụng và trong các giao dịch dân sự.

– Thừa phát lại tạo một thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính tư pháp, bổ trợ tích cực cho cơ cấu hoạt động của ngành tư pháp đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của xã hội.

– Dưới góc độ xã hội, hoạt động thừa phát lại bước đầu tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính tư pháp, tạo nên một nghề cho xã hội.

– Đối với hoạt động tư pháp liên quan, hoạt động thừa phát lại đã bổ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, bảo đảm các hoạt động này được nhanh hơn, chặt chẽ hơn; góp phần giảm tải tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

Thừa phát lại trong thi hành án dân sự
Thừa phát lại trong thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là gì?

Thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án và các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án.

Các hoạt động thi hành bản án:

– Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế;

– Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp;

– Quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính;

– Quyết định về dân sự trong bản án;

– Các bản án khác do pháp luật quy định.

Nội dung của thừa phát lại trong thi hành án dân sự

Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Thừa phát lại chỉ thực hiện thi hành án trong các trường hợp: Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện và bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Đối với bản án, quyết định phúc thẩm, có thể thi hành án với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Tóm lại, Thừa phát lại được thi hành án dân sự với các bản án, quyết định có hiệu lực đã được xét xử sơ thẩm tại tòa án nhân dân trong phạm vi tỉnh mà văn phòng Thừa phát lại có trụ sở.

Ngoài ra, còn một điều kiện khác liên quan đến trường hợp Thừa phát lại có thể thi hành án là: Các yêu cầu thi hành án của khách hàng không thuộc thẩm quyền Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án, bao gồm:

Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;

Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;

Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Một số đề xuất, kiến nghị thừa phát lại trong thi hành án dân sự
Để nâng cao vai trò của TPL trong hoạt động THADS, cần phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có thể thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TPL, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức nói chung và cơ quan THADS nói riêng với Văn phòng TPL được thuận lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần bổ sung các quy định pháp luật quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc hỗ trợ TPL thực hiện tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của TPL trong THADS. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của TPL trong THADS, về lâu dài, cần xây dựng Luật Thừa phát lại để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện  hơn cho hoạt động này.
Đối với hoạt động tống đạt văn bản về THADS, cần có quy định rõ ràng và cụ thể về việc các cơ quan THADS, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân sử dụng dịch vụ tống đạt của TPL và có cơ chế tài chính rõ ràng để bảo đảm hoạt động này.

Đối với hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, cần quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện xác minh của TPL như: Về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc xác minh của TPL; trách nhiệm của việc thực hiện yêu cầu xác minh của TPL; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc không cung cấp và chậm trễ trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của TPL.
Ba là, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với TPL trong lĩnh vực THADS. Mặc dù Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội đã quy định về việc quản lý khá chặt chẽ đối với việc TPL thực hiện nhiệm vụ THADS, với các cơ chế kiểm soát gồm: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng TPL kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tống đạt, việc thi hành án theo quy định của pháp luật; có quyền kháng nghị quyết định, hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Văn phòng TPL, TPL trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm (Điều 21, Điều 22). Tuy nhiên, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã có rất nhiều sự thay đổi, do đó, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch này cho phù hợp.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về TPL: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TPL trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng các hoạt động cụ thể như: Phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Tư pháp… tổ chức tuyên truyền để cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn biết, phối hợp và sử dụng dịch vụ TPL. Lồng ghép việc tuyên truyền về chế định TPL vào kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương với những hình thức ngắn gọn, hiệu quả để nhân dân biết và tin tưởng.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Rong Ba về thừa phát lại trong thi hành án dân sự. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về thừa phát lại trong thi hành án dân sự và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin