Tem hợp chuẩn hợp quy

Tem hợp chuẩn hợp quy là một bằng chứng và là đặc điểm để nhận biết những sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của Nhà nước và được phép lưu thông tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Hiện nay các sản phẩm sau khi được chứng nhận hợp quy phải có dán tem hợp quy phù hợp theo

Thông tư Số: 28/2012/TT–BKHCN của Bộ Khoa Học và Công Nghệ ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2012 khi lưu thông trên thị trường nếu không sẽ vi phạm quy định nhà nước và bị tịch thu để xử lý. Bài viết dưới đây của Luật Rong Ba sẽ giới thiệu về tem hợp chuẩn hợp quy.

Hợp quy, hợp chuẩn là gì

Chứng nhận hợp chuẩn

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006:

Chứng nhận hợp chuẩn hay còn chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn là việc đánh giá xác nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

Chứng nhận hợp chuẩn về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp theo yêu cầu của khách hàng thì nó trở thành bắt buộc.

Đối với đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, việc lựa chọn phương thức đánh giá nào là do tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (CBHC) quyết định nhưng phải thích hợp với đối tượng chứng nhận để đảm bảo độ tin cậy của kết quả đánh giá.

Tại Việt Nam, chứng nhận hợp chuẩn được ký hiệu: TCVN.

Chứng nhận hợp quy

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006:

Chứng nhận hợp quy – Chứng nhận phù hợp với quy chuẩn là việc đánh giá, xác nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Chứng nhận phù hợp quy được thực hiện một cách bắt buộc. Phương thức đánh giá quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho từng đối tượng cụ thể được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Theo quy định Nhà nước, chứng nhận hợp quy được ký hiệu: QCVN.

Công bố hợp chuẩn, hợp quy là gì

Theo khoản 8, khoản 9 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành quy định:

Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Vậy có thể thấy khi thực hiện thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy sau khi hồ sơ hợp lệ được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì sản phẩm, hàng hóa sẽ được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Đối tượng hợp chuẩn, hợp quy

Đối tượng cần chứng nhận hợp chuẩn – hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường theo những tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực và cả tiêu chuẩn nước ngoài hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) quy định.

Đối với những đối tượng sản phẩm liên quan đến an toàn sức khỏe hay môi trường (sản phẩm hàng hóa nhóm 2) thì cần bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy.

Để thực hiện việc chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy các doanh nghiệp phải trải qua quá trình đánh giá sự phù hợp.

Đánh giá sự phù hợp là hoạt động thử nghiệm, phân tích, đánh giá đối tượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn tương ứng.

Tem hợp chuẩn hợp quy là gì

Tem hợp quy, hợp chuẩn hay còn gọi là dấu hợp quy, Tem CR là ký hiệu gắn dấu CR do nhà nước ban hành. Nếu sản phẩm của các doanh nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn và được chứng nhận hợp quy thì sản phẩm sẽ được dán tem CR, đây là đặc điểm chứng nhận sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng tốt cho người tiêu dùng và đã được phép có thể cho sản phẩm lưu thông và tiêu thụ trên thị trường nước ta.

Có thể nói, tem hợp quy chính là một cơ sở giúp cho người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm đạt chất lượng phù hợp với quy định.

Nguồn gốc và kích thước của tem hợp quy

Tem được sản xuất bằng chất liệu giấy tự dính như decal giấy, decal nhựa. Tem sau khi được in CR sẽ phải đi đăng kí để được chứng nhận hợp quy rồi mới được sử dụng.

Kích thước thông thường của tem CR là 25×25 mm. Ngày nay tem hợp quy được dán lên hầu hết các loại sản phẩm đảm bảo chất lượng

Cách nhận biết tem hợp quy đúng quy chuẩn

Theo như Thông tư Số: 28/2012/TT–BKHCN của Bộ Khoa Học và Công Nghệ ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2012 thì Tem hợp quy đúng quy định cần đảm bảo các yếu tố sau:

Hình dạng kích cỡ dấu hợp quy đúng quy định

Dấu hợp quy được gắn ở vị trí dễ thấy,được in trưc tiếp lên sản phẩm,bao bì hàng hóa

Dấu hợp quy được thiết kế dễ nhận biết và cùng màu

Có đầy đủ kí hiệu tiêu chuẩn tương ứng làm căn cứ chứng nhận hợp quy

Dấu hợp quy không thể bóc ra gắn lại đồng thời không dễ tẩy xóa

Phương thức đánh giá sự phù hợp hợp quy hợp chuẩn

Theo quy định Nhà nước, 8 phương thức được đưa ra và áp dụng cho từng loại sản phẩm hàng hóa như sau:

Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình

Phương thức 1 thử nghiệm mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hoá để kết luận về sự phù hợp. Kết luận về sự phù hợp có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hoá đã được lấy mẫu thử nghiệm.

Nguyên tắc sử dụng phương thức 1: Phương thức 1 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.

Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường

Phương thức 2 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá.

Việc đánh giá giám sát sau đó được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy trên thị trường.

tem hợp chuẩn hợp quy

tem hợp chuẩn hợp quy

Nguyên tắc sử dụng phương thức 2: Phương thức 2 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ rủi ro về an toàn, sức khỏe, môi trường ở mức thấp;

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;

Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có khả năng bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá có các biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 3 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp.

Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy từ nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Nguyên tắc sử dụng phương thức 3: Phương thức 3 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ gây mất an toàn, sức khỏe, môi trường cao hơn so với sản phẩm, hàng hoá được đánh giá theo phương thức 2;

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;

Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá về bản chất ít hoặc không bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;

Khó có biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 4 căn cứ kết quả thử nghiệm điển hình  và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát sau đó được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy từ nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 4: Phương thức 4 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ gây mất an toàn, sức khỏe, môi trường cao hơn so với sản phẩm, hàng hoá được đánh giá sự phù hợp theo phương thức 3;

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;

Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có khả năng mất ổn định trong quá trình sản xuất và bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;

Có biện pháp cho phép thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 5 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp.

Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc mẫu lấy trên thị trường kết hợp đánh giá quá trình sản xuất.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 5: Phương thức 5 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện:

Cần sử dụng một phương thức có độ tin cậy cao như phương thức 4 nhưng cho phép linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp giám sát để giảm được chi phí;

Cần sử dụng một phương thức được áp dụng phổ biến nhằm hướng tới việc thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp.

Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý

Phương thức 6 căn cứ vào việc đánh giá hệ thống quản lý để kết luận về sự phù hợp của hệ thống quản lý với quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 6: Phương thức 6 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của các quá trình, dịch vụ, môi trường có hệ thống quản lý theo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá

Phương thức 7 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá được lấy theo phương pháp xác suất thống kê cho lô sản phẩm, hàng hoá để ra kết luận về sự phù hợp của lô.

Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 7: Phương thức 7 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện:

Sản phẩm, hàng hoá được phân định theo lô đồng nhất;

Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.

Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hoá

Phương thức 8 căn cứ kết quả thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hoá để kết luận về sự phù hợp trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng.

Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho từng sản phẩm, hàng hoá đơn chiếc và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.

Nguyên tắc sử dụng của Phương thức 8: Phương thức 8 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng.

Tại Việt Nam, phương thức thứ 1, thứ 5, thứ 7 được sử dụng phổ biến cho sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước và đối với hàng nhập khẩu.

Trên đây là một số khía cạnh liên quan đến tem hợp chuẩn hợp quy. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành áp dụng  những tiêu chuẩn của loại chứng nhận này, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin