Tài sản có trước hôn nhân

Chế định tài sản ước định (chế độ tài sản theo thỏa thuận) bao hàm các chế độ đặc thù mà vợ chồng thông qua hợp đồng hôn nhân, lựa chọn quan hệ tài sản tùy theo hoàn cảnh sống, ý chí chủ quan của chính mình.

Những chọn lựa này, sau khi đã được thỏa thuận hợp pháp thì quan hệ tài sản ấy được công nhận và nếu có tranh chấp xảy ra sẽ căn cứ theo thỏa thuận ban đầu mà giải quyết.

Trong phạm vi bài viết dưới đây, Luật Rong Ba xin đưa ra một số ý kiến bình luận về tài sản có trước hôn nhân, hãy cùng chúng tôi theo dõi nhé!

Quy định của pháp luật về tài sản có trước hôn nhân

Trong Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thoả thuận”.

Thứ nhất, khái niệm, dấu hiệu nhận biết tài sản trước khi kết hôn

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi kết hôn mỗi bên vẫn có tư cách cá nhân trong các quan hệ pháp luật hay quan hệ xã hội.

Do đó, bên cạnh sở hữu chung hợp nhất, pháp luật quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 chỉ thừa nhận một loại sở hữu duy nhất là sở hữu chung hợp nhất.

Từ khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 được ban hành đến nay, quyền sở hữu riêng về tài sản của vợ, chồng mới được pháp luật công nhận.

Pháp luật công nhận quyền có tài sản riêng của vợ chồng là phù hợp với quy định quyền sở hữu riêng về tài sản của công dân đã được Hiến pháp thừa nhận.

Quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng còn nhằm bảo đảm cho vợ, chồng có thể thực hiện các nghĩa vụ về tài sản một cách độc lập, không phụ thuộc vào ý chí của bên kia. 

Trong thời kỳ hôn nhân, có thể chỉ một bên vợ hoặc chồng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản cho người khác được coi là nghĩa vụ dân sự riêng. 

Để tạo điều kiện cho vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ riêng thì pháp luật phải công nhận quyền sở hữu riêng về tài sản của vợ, chồng. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích về tài sản cho người thứ ba.

Ngoài ra, việc quy định quyền sở hữu riêng về tài sản của vợ, chồng còn góp phần ngăn chặn hiện tượng kết hôn nhằm với lợi ích kinh tế mà không nhằm xác lập quan hệ vợ, chồng. 

Điều 43 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau: 

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp về tài sản chung về mặt nguyên tắc, bên nào có tài sản riêng thì phải có nghĩa vụ chứng minh đó là tài sản riêng của mình, nếu không có căn cứ, cơ sở chứng minh được thì nó sẽ mặc định được coi là tài sản chung.

tài sản có trước hôn nhân
tài sản có trước hôn nhân

Thứ hai, tài sản có trước khi kết hôn khi ly hôn thực hiện chia theo phương thức sau:

Về nguyên tắc, tài sản được tạo lập trước khi kết hôn là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng trừ trường hợp người đó đồng ý hoặc thỏa thuận nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của hai vợ chồng.

Việc phân chia tài sản có trước khi kết hôn khi ly hôn được quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân & gia đình, như sau:

“Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”

Như vậy, ngoại trừ trường hợp các bên thỏa thuận sáp nhập vào tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì khi ly hôn tài sản có trước khi kết hôn được xác định là tài sản riêng của mỗi người và thuộc về chính người đó.

Trên thực tế, tài sản riêng của vợ, chồng có trước khi kết hôn được phát sinh hoa lợi, lợi tức trong thời kỳ hôn nhân.

Vì vậy, Luật hôn nhân & gia đình năm 2014 quy định các trường hợp phân chia liên quan đến hoa lợi, lợi tức được hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng như sau:

– Tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. 

Như vậy, hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhẫn được xem là tài sản chung của vợ, chồng.

Nên khi có yêu cầu chia phần hoa lợi lợi tức có liên quan này thì về nguyên tắc sẽ được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố như công sức đóng góp, quá trình tạo lập nên hoa lợi lợi tức…..

Tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng”. 

Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân nếu vợ chồng có thỏa thuận xác định phân chia tài sản riêng của mỗi người thì phần hoa lợi, lợi tức này sẽ là tài sản riêng, thuộc sở hữu riêng của người đó.

Luật Rong Ba cho tôi hỏi: Tôi sắp lấy chồng nhưng tôi sợ trong quá trình chung sống với nhau lại phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp tài sản.

Vậy, tôi có thể thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn được không vì tôi thấy bên nước ngoài có những quy định như vậy.

Luật Rong Ba tư vấn:

Theo quy định tại Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản chung của vợ chồng, theo đó:

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Có thể nói việc thỏa thuận với nhau về tài sản là một trong những điểm mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Theo quy định này thì trước khi bạn kết hôn với chồng tương lai của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền được thỏa thuận trước về tài sản.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận tài sản này phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. 

Thời điểm xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận sẽ được xác lập kể từ thời điểm bạn đăng ký kết hôn.

Vì vậy, nếu trong trường hợp bạn nhận thấy việc chung sống với người chồng tương lai của bạn sẽ gặp khó khăn hay sợ vì vấn đề kinh tế mà bất hòa thì bạn có thể thỏa thuận với chồng tương lai của bạn về việc thỏa thuận tài sản khi đăng ký kết hôn.

Có phải thỏa thuận tài sản mới được đăng ký kết hôn không?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi và vợ tôi đi ra ủy ban xã đăng ký kết hôn, tuy nhiên tôi mang giấy tờ đầy đủ ra ủy ban thì cán bộ ở đó nói rằng phải cần có biên bản thỏa thuận phân chia tài sản trước hôn nhận mới cho đăng ký kết hôn. Vậy, việc cán bộ xã nói như vậy có đúng không?

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, khi bạn và vợ bạn muốn kết hôn chỉ cần đảm bảo các điều kiện về kết hôn của pháp luật và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn thì sẽ được kết hôn và được nhà nước công nhận và bảo vệ chế độ hôn nhân của hai vợ chồng.

Liên quan đến trường hợp trên của bạn Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

a) Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

b) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

c) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

d) Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng”

Như vậy, đây được coi là nghĩa vụ của vợ chồng về tài sản trước khi kết hôn, việc thỏa thuận phân chia tài sản này do các bên tự định đoạt xác lập, phù hợp với nhu cầu của các bên.

Việc thỏa thuận này không mang tính chất bắt buộc. Chính vì vậy, phân chia tài sản trước thời kì hôn nhân mà cán bộ xã yêu cầu là không đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba với nội dung tài sản có trước hôn nhân. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về pháp luật dân sự và những vấn đề pháp lý liên quan đến hôn nhân, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí.

Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. một cách nhanh chóng nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin