Cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp

Câu hỏi: Thưa luật sư, em vừa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Cho em hỏi em có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không, điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp ạ.

Trả lời:

Chào bạn!

Tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, kéo theo đó hàng triệu người lao động mất việc, giãn việc làm.

Trong bối cảnh này, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò “bà đỡ” của mình. Khi nghỉ việc, người lao động sẽ được nhận trợ cấp thấp nghiệp nếu có đủ điều kiện theo luật định.

Thế nhưng, không ít người lao động vì không nắm rõ cách tính mà bị mất đi rất nhiều quyền lợi. Cũng như bảo hiểm xã hội một lần, rất nhiều người lao động sau khi chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để được một khoản tiền trước mắt để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên người lao động cũng không nắm rõ cách tính bảo hiểm. Sau đây Luật Rong Ba xin được giải đáp thắc mắc của bạn về vấn đề điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Cơ sở pháp lý

Luật Việc làm năm 2013

Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp

 Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động tham gia ký kết các hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc sau phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Hợp đồng lao động xác định thời hạn

Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

 Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp:

Căn cứ theo Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm, người lao động sẽ được nhận BHTN nếu đáp ứng các điều kiện sau: 

“1.Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

Chết.”

Như vậy, nếu bạn đáp ứng các điều kiện trên thì có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp
cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp

 Cách tính tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Bước 1: Xác định công thức tính bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 cách tính tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Từ quy định đó ta có công thức cách tính tiền bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng được như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng

=

Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp

x

60%

Bước 2: Tính mức bình quân tiền lương tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp

Để tính mức bình quân tiền lương tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động cần xác định mức lương của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp được căn cứ dựa trên các giấy tờ chứng nhận đóng bảo hiểm ở trong số bảo hiểm xã hội, cụ thể là sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đó.

Ví dụ: Ông Trần Đ nghỉ việc vào tháng 03/2020 có 06 tháng liền kề với tháng 3 đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Tháng 7, tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm 2019 đóng bảo hiểm với mức lương là 3.000.000 đồng (tháng 8, tháng 9 năm 2019 không đóng bảo hiểm)

Tháng 1, tháng 2 năm 2020 đóng bảo hiểm với mức lương là 6.000.000 đồng

Như vậy mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông Đ là: (3.000.000 x 4 + 6.000.000 x 2) : 6 = 4.000.000 đồng

Bước 3: Tính mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp một tháng

Khi đã tính ra mức bình quân tiền lương ở bước 2 thì áp dụng vào công thức ở bước 1 sẽ tính ra tiền bảo hiểm thất nghiệp mỗi tháng của người lao động.

Tuy nhiên mức hưởng mỗi tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện nay Nhà nước quy định là 1.490.000 đồng. Như vậy, trong trường hợp này tối đa không quá 7.450.000 đồng

Hoặc mỗi tháng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Cụ thể mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của từng vùng sẽ là:

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Vùng I

4.420.000 đồng/tháng

22.100.000 đồng/tháng

Vùng II

3.920.000 đồng/tháng

19.600.000 đồng/tháng

Vùng III

3.430.000 đồng/tháng

17.150.000 đồng/tháng

Vùng IV

3.070.000 đồng/tháng

15.350.000 đồng/tháng

Bước 4: Cách tính thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính dựa trên số tháng mà người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:

Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp

Đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp có tháng lẻ chưa được giải quyết trợ cấp thất nghiệp thì theo quy định tại khoản 7 điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì những tháng lẻ đó sẽ được bảo lưu để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ở lần sau khi người lao động có đủ điều kiện.

Ví dụ: Ông Trần Đ có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 135 tháng (từ tháng 01/2009 đến tháng 03/2020) thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Đ được tính như sau:

132 tháng đóng BHTN tương ứng được hưởng 11 tháng trợ cấp thất nghiệp,

03 tháng lẻ còn lại sẽ được bảo lưu để cộng dồn và tính thời gian hưởng cho lần sau khi ông Đ có đủ điều kiện.

Bước 5: Tính toàn bộ mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động

ổng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp bằng mức hưởng mỗi tháng (ở bước 3) nhân với số tháng hưởng trợ cấp (ở bước 4).

Ví dụ: Ông Trần Đ có mức hưởng trợ cấp mỗi tháng là 3.000.000 đồng và được hưởng 4 tháng thì tổng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Đ là: 3.000.000 x 4 = 12.000.000 đồng.

Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm

Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu tải văn bản);

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động;

Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

Quyết định thôi việc;

Quyết định sa thải;

Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Sổ bảo hiểm xã hội.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin