Hộ chiếu điện tử

Hiện nay, ngoài hộ chiếu giấy thì còn có them hộ chiếu điện tử. Vậy hộ chiếu điện tử là gì? Tại sao nên làm hộ chiếu điện tử? để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân (theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019).

Theo đó, mẫu hộ chiếu gồm hộ chiếu gắn chip và hộ chiếu không gắn chip điện tử.

Với mẫu hộ chiếu gắn chip, theo Thông tư 73/2021 của Bộ Công an nêu rõ, mẫu hộ chiếu này đã chính thức được áp dụng từ ngày 14/8/2021.

Hộ chiếu gắn chip điện tử là loại hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.

Tương tự như hộ chiếu không gắn chip, hộ chiếu gắn chip được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Đặc biệt, với công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc hộ chiếu được cấp theo thủ tục rút gọn chỉ được cấp hộ chiếu không gắn chip điện tử.

Hộ chiếu gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn chip nhằm đáp ứng nhu cầu về số hóa trong thời đại mới, giảm thiểu nguy cơ làm giả. Con chip này được đặt trong bìa sau của hộ chiếu, lưu thông tin cá nhân của công dân (tên, ngày tháng năm sinh, CCCD, số hộ chiếu…) được mã hóa và chữ ký số của người cấp. Chip có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân.


Hộ chiếu gắn chip có gì mới so với hộ chiếu thông thường?

Theo Thông tư 73/2021, hộ chiếu gắn chip có đặc điểm về hình thức, kỹ thuật như sau:

– Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử;

– Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng;

– Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: Tiếng Việt và tiếng Anh;

– Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, 12 trang đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng;

– Kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75 mm;

– Bán kính góc cuốn hộ chiếu r: 3,18mm ± 0,3mm;

– Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử;

– Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao;

– Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1;

– Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Có thể thấy, điểm đặc biệt ở mẫu hộ chiếu mới là có biểu tượng chíp điện tử gắn ở mặt ngoài trang bìa hộ chiếu.

 

Có bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu gắn chip không?

Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc khi chính thức áp dụng mẫu hộ chiếu gắn chip.  Về vấn đề này, tại Điều 6 Thông tư 73/2021/TT-BCA nêu rõ:

Điều 6. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

  1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 8 năm 2021.
  2. Các ấn phẩm trắng hộ chiếu, giấy thông hành đã cung cấp cho các cơ quan trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa cấp hết thì được tiếp tục sử dụng, chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2022 phải thực hiện thống nhất theo mẫu hộ chiếu, giây thông hành quy định tại Thông tư này.
  3. Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, giấy thông hành.

Như vậy, theo quy định trên, hộ chiếu gắn chip được áp dụng từ ngày 14/8/2021, trong đó hộ chiếu đã được cấp trước ngày 01/01/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, giấy thông hành.

Điều này có nghĩa, trường hợp người dân đã được cấp hộ chiếu trước ngày 01/01/2022 thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn mà không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu gắn chip.


Cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi làm hộ chiếu gắn chip?

Khi làm thủ tục xin cấp hộ chiếu gắn chip, cần chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ sau:

– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông;

– 02 ảnh 4×6 chụp không quá 06 tháng;

– Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp bị mất hộ chiếu, phải có đơn trình báo mất hộ chiếu hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền;

– Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.

– Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra đối chiếu.


Trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu gắn chip ra sao?

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử từ lần thứ hai hoặc lần đầu nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trực tiếp nộp hồ sơ tại một trong hai trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an:

+ Số 44-46 đường Trần Phú, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

+ Số 333-335-337 đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu.

– Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ: Cấp giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí.

– Trường hợp hồ sơ thiếu, không hợp lệ: Hướng dẫn để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả.

hộ chiếu điện tử
hộ chiếu điện tử

Những ưu điểm của hộ chiếu điện tử

Người có hộ chiếu điện tử được ưu tiên xét thị thực (visa)

Theo khái niệm từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), hộ chiếu điện tử được phát triển từ hộ chiếu giấy thông thường nhưng được gắn thêm chip điện tử. Chip này có tác dụng lưu trữ các thông tin được “số hóa” của công dân các quốc gia như họ tên, tuổi tác, ngày sinh, ảnh, chữ ký, quốc tịch, thậm chí cả tình trạng tiêm vacxin và xét nghiệm một số loại bệnh được yêu cầu ở từng quốc gia khác nhau.

Hộ chiếu này còn được gọi tắt là E-passport hay hộ chiếu số. Nó đang được sử dụng tại ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới vì lưu trữ được nhiều thông tin theo một định dạng thống nhất giữa các quốc gia và tránh được việc sao chép thông tin để nhập cảnh trái phép.

Chính vì những ưu điểm này, người có hộ chiếu điện tử thường được các quốc gia ưu tiên cho phép xuất nhập cảnh dễ dàng hơn. Chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ được áp dụng cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với điều kiện người nhập cảnh phải có hộ chiếu điện tử.

Trong tương lai, khi Việt Nam chấp nhận loại hộ chiếu này và tiến hành cấp cho công dân, bạn cũng nên đi làm ngay để được ưu tiên khi đi lại giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Làm thủ tục xuất nhập cảnh nhanh chóng hơn

Chính bởi vì con chíp trên hộ chiếu điện tử có thể lưu được nhiều thông tin của hành khách một cách chính xác và thống nhất về mặt định dạng giữa các quốc gia nên việc làm thủ tục tại hải quan các nước của bạn sẽ diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng.

Gần như không mất thời gian để nhân viên hải quan các nước soi xét và xác thực các thông tin trên hộ chiếu vì mọi thứ sẽ hiện ra “trong một giây” khi quét hộ chiếu.

Hộ chiếu điện tử không chỉ lưu trữ các thông tin “được viết trên giấy” như họ tên, ngày sinh, quốc tịch… mà còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh học của con người như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu…

Càng lưu trữ nhiều thông tin, việc nhận dạng một người càng chính xác. Hải quan và hành khách sẽ không phải “gây phiền phức” cho nhau vì không xác nhận được thông tin. Nhất là đối với công dân ở những nước nhỏ như Việt Nam, việc sử dụng hộ chiếu điện tử sẽ khiến quy trình làm thủ tục của bạn nhanh hơn rất nhiều.

Tính bảo mật thông tin cao

Vì được lưu trữ trong con chip, nên hộ chiếu của bạn rất khó để sao chép thông tin, trừ khi bạn bị lấy cắp bởi một tổ chức tội phạm rất chuyên nghiệp về công nghệ thông tin.

Chính vì điều này nên hộ chiếu điện tử có tính bảo mật thông tin cao hơn nhiều so với hộ chiếu giấy thông thường. Nó bảo vệ cho chúng ta trước các nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân.

Chip trên hộ chiếu điện từ là chip RFID, được gắn giữa lớp bìa lưng và chỉ được quét bởi máy chuyên dụng tại hải quan các nước. Điều này giúp cho cả hải quan và hành khách đều dễ dàng hơn khi thực hiện công việc của mình.

Không chỉ tại hải quan, ngay cả khi bạn sinh sống tại nước ngoài, việc quét thông tin hộ chiếu là ra tình trạng của bạn tại nước ngoài cũng giúp cuộc sống của bạn dễ dàng và an toàn hơn.

Dễ dàng nhận diện hành khách

Thay vì nhân viên phải soi kỹ hình ảnh của hành khách thông qua một tấm ảnh nhỏ trên hộ chiếu và gặp nhiều rắc rối vì ngoại hình của hành khách đã thay đổi do kiểu tóc, cân nặng, thẩm mỹ…, hộ chiếu điện tử với các thông tin sinh trắc được lưu sẽ khiến cho việc nhận diện dễ dàng và chính xác hơn.

Bạn gần như sẽ không bao giờ bị giữ lại ở hải quan vì những lý do liên quan đến nhận dạng nữa.

Thông tin trên hộ chiếu điện tử thống nhất giữa các quốc gia nên sẽ không có nhầm lẫn đáng tiếc nào trong quá trình là thủ tục xuất nhập cảnh của bạn.

Được sử dụng tại ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới

Malaysia là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành hộ chiếu điện tử cho công dân vào năm 1998. Tháng 2 năm 2020, Malaysia được cấp hộ chiếu sinh trắc học theo tiêu chuẩn quốc tế được ban hành và cấp phép bởi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO.

Đặc điểm nhận dạng của hộ chiếu đã được cấp phép là “logo màu vàng hình camera ngoài bìa”. Một số nước phát hành hộ chiếu trước khi có tiêu chuẩn của ICAO không có logo này nhưng vẫn được chấp nhận sử dụng.

Trên thế giới đã có 150 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử. Trong khối ASEAN, 8 quốc gia đã sử dụng loại hộ chiếu này là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei, Lào và Campuchia.

Từ ngày 14/8/2021, Việt Nam cũng sẽ bắt đầu sử dụng loại hộ chiếu này. Hộ chiếu điện tử của công dân Việt Nam có trang bìa giống như hộ chiếu bằng giấy thông thường. Hình ảnh tại các trang là các danh lam thắng cảnh của đất nước . Ngôn ngữ sử dụng là Anh – Việt. Tất cả các thông tin cá nhân sẽ đặt trong con chip của bìa sau của hộ chiếu.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về hộ chiếu điện tử. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về hộ chiếu điện tử và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin