Điều 378 Bộ luật hình sự quy định tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù

Căn cứ pháp lý

Điều 378 Bộ luật hình sự quy định tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù như sau:

“Điều 378. Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

c) Người được tha trái pháp luật trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

d) Tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Tha trái pháp luật 06 người trở lên;

b) Người được tha trái pháp luật thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 378 Bộ luật hình sự quy định tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù
Điều 378 Bộ luật hình sự quy định tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 378 Bộ luật hình sự

Khách thể của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm này lại chính là người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Thông qua việc tha trái pháp luật những người này mà người phạm tội xâm phạm đến khách thể cần được bảo vệ.

Người bị tạm giam là người đang bị tạm giam trong các trại tạm giam của Bộ Công an và Bộ quốc phòng; người đang chấp hành hình phạt tù trong các tại giam; người bị kết án tử hình nhưng chưa bị thi hành trong các trại tạm giam.

Người bị tạm giữ là người đang bị tạm giữ trong các nhà tạm giữ, người bị bắt quả tang, bị bắt do có lệnh truy nã kể từ khi bị bắt cho đến khi đưa về nhà tạm giữ; trại tạm giam hoặc tại giam.

Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.

Như vậy, khách thể của tội phạm là hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; kết quả của hoạt động tố tụng và trật tự an toàn xã hội.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù là lợi dụng việc pháp luật quy định cho mình có thẩm quyền tha người bị giam, giữ để ra quyết định tha người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng mà người tiến hành tố tụng có quyền bắt và tha người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Vì vậy, khi xác định người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người bị giam, bị giữ phải căn cứ vào từng giai đoạn tố tụng để xác định người đó có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay là lạm quyền.

Lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù là không có thẩm quyền tha người bị giam, bị giữ những vẫn ra quyết định tha người bị giam, bị giữ (quyết định bằng văn bản hoặc bằng miệng). Việc người không có thẩm quyền mà lại tha người bị giam, bị giữ tuy là hành vi lạm quyền nhưng họ vẫn là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc giam, giữ người; nếu không có chức vụ, quyền hạn thì họ không thể tha trái pháp luật người bị giam, giữ được.

Biểu hiện của hành vi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền để tha trái pháp luật người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù là: quyết định trả tự do trái pháp luật người đang bị giam, giữ như: huỷ bỏ việc tạm giam, tạm giữ; thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác khi việc tạm giam vẫn còn cần thiết và chưa hết thời hạn tạm giam; trả tự do cho người bị phạt tù giam đang chấp hành hình phạt tù trong các Trại giam; thả người bị tạm giam, giữ hoặc đang chấp hành hình phạt tù trên đường dẫn giải; đang lao động cải tạo ở nơi lao động, sản xuất.v.v…

Hậu quả của tội phạm là việc người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù được tha trái pháp luật. Tuy nhiên hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; những người có trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, dẫn giải người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù thực hiện hành vi phạm tội của mình là do lỗi cố ý, có thể do lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền và việc tha người bị giam, giữ như vậy là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng nói chung động cơ của người phạm tội là động cơ cá nhân hoặc tư lợi. Nếu người phạm tội vì đã nhận hối lộ mà tha người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù

 trái pháp luật thì còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Hình phạt tại Điều 378 Bộ luật hình sự

Điều 378  Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

c) Người được tha trái pháp luật trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

d) Tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Tha trái pháp luật 06 người trở lên;

b) Người được tha trái pháp luật thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 378 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin