Điều 349 BLHS năm 2015 quy định tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

Căn cứ pháp lý

Điều 349 BLHS năm 2015 quy định tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép như sau:

“Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 349 BLHS năm 2015 quy định tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Điều 349 BLHS năm 2015 quy định tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 349 BLHS năm 2015

Khách thể của tội phạm

Điều 349 Bộ luật Hình sự quy định 02 tội phạm gồm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tội tổ chức, mô giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép.

Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, khách thể của tội phạm là hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Việt Nam.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm gồm hành vi tổ chứ, hành vi mô giới cho người khác trốn đi nước người hoặc trốn ở lại nước ngoài.

Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động nhằm đưa người khác trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hành vi tổ chức có thể với quy mô nhỏ như: tổ chức cho một vài người trốn, nhưng cũng có thể với quy mô lớn như: tổ chức cho hàng chục người, trăm người trốn đi nước ngoài. Hành vi tổ chức có thể được biểu hiện cụ thể bằng nhiều hình thức như: Khởi xướng; vạch kế hoạch thực hiện việc trốn đi nước ngoài, cũng như kế hoạch che giấu việc trốn đi nước ngoài; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện việc trốn đi nước ngoài; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện việc trốn đi nước ngoài;…

Tổ chức người khác ở lại nước ngoài là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động nhằm giữ người đã hết hạn ở nước ngoài không trở lại Việt Nam. Cũng như đối với hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, tổ chức người khác ở lại nước ngoài có thể cho một và, nhưng cũng có thể cho nhiều người ở lại nước ngoài trái phép. Hành vi tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài cũng được biểu hiện cụ thể bằng nhiều hình thức như: Khởi xướng việc ở lại nước ngoài; vạch kế hoạch thực hiện việc ở lại nước ngoài, cũng như kế hoạch che giấu việc ở lại nước ngoài; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện việc ở lại nước ngoài; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện việc ở lại nước ngoài; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện việc ở lại nước ngoài…

Mô giới cho người khác trốn đi nước ngoài hay trốn ở lại nước ngoài là hành vi trung gian, là cầu nối giữa người muốn trốn đi nước ngoài, muốn trốn ở lại nước ngoài với người tổ chức thực hiện việc trốn đi nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài.

Theo quy định của công văn 1557/VKSTC-V1 của Viện Kiểm sát Tối cao về việc hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,…) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài…; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,…).

Hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan xảy ra.

Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài nhưng chưa đưa được qua biên giới, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức người phạm tội nhận thức được hậu quả xảy ra, dù mong muốn hay không thì cũng thực hiện tội phạm.

Hình phạt tại Điều 349 BLHS năm 2015

Điều 349 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 349 BLHS năm 2015 . Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin