Điều 325 Bộ luật hình sự quy định tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

Căn cứ pháp lý

Điều 325 Bộ luật hình sự quy định tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp như sau:

“Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 325 Bộ luật hình sự

Điều 325 Bộ luật hình sự quy định tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
Điều 325 Bộ luật hình sự quy định tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

Khách thể của tội phạm

Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi dục, đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực đối với người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa đủ 18 tuổi phạm pháp.

Mặc dù tội phạm này được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhưng tội phạm này vẫn là tội xâm phạm đối với người chưa thành niên, nhưng không phải xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người chưa thành niên mà xâm phạm đến chính sách của Nhà nước về việc bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm gồm 03 nhóm hành vi như sau:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

Dụ dỗ người chưa thành niên phạm pháp là rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi dục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đoạ.

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

Ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực đối với người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đoạ.

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

Chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp là trường hợp cho ở trong nhà, cho ăn ngủ ở một nơi nhất định do mình quản lý hoặc có hành vi khác che giấu người chưa thành niên, để người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ.

Ngoài ra, người mà người phạm tội dụ dỗ, ép buộc phải là người chưa thành niên và người bị dụ dỗ ép buộc là người thực hiện hành vi phạm pháp.

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tuổi của người bị dụ dỗ, ép buộc thực hiện hành vi phạm pháp.

Phạm pháp là vi phạm pháp luật, trong đó có trường hợp cấu thành tội phạm, có trường hợp chưa cấu thành tội phạm.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm không phải chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.

Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Điều 325 Bộ luật hình sự quy định rõ người phạm tội phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, chủ thể của tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp thực hiện hành vi của mình là do cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Hình phạt tại Điều 325 Bộ luật hình sự

Điều 325 Bộ luật Hình sự quy định 03 Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội như sau:

– Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 325 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin