Điều 323 Bộ luật hình sự quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Căn cứ pháp lý

Điều 323 Bộ luật hình sự quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Điều 323 Bộ luật hình sự quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Điều 323 Bộ luật hình sự quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 323 Bộ luật hình sự

Khách thể của tội phạm

Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi của người biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có tuy không hứa hẹn trước nhưng vẫn cất giữ, bảo quản, sử dụng, mua bán, trao đổi.

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, tội phạm này lại chủ yếu xâm phạm đến hoạt động điều tra, thu hồi tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có; nhiều trường hợp hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đã gây ảnh hưởng đến việc điều tra phát hiện tội phạm, có trường hợp làm cho việc điều tra phát hiện bị bế tắc phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vì không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có.

Mặt khách quan của tội phạm

Tội phạm này nhà làm luật quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản chúng. Việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà Bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tàng trữ các loại tài sản đó, ví dụ tài sản cất giữ là ma túy thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ chất ma túy quy định tại Điều 254 Bộ luật Hình sự.

Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội. v.v…Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Dù là chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu họ không hứa hẹn trước. Nếu người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ có hứa hẹn trước với người phạm tội thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ với tư cách đồng phạm.

Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm không phải chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.

Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy, chủ thể của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Tức là biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội.

Hình phạt tại Điều 323 Bộ luật hình sự

Điều 323 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội như sau:

– Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 323 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin