Điều 173 Bộ luật hình sự

Trộm cắp tài sản là một trong những tội xảy ra phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu. Dấu hiệu đặc trưng là thủ đoạn lén lút của người phạm tội, lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ. Vậy người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017? Sau đây, bài viết của Công ty Luật Rong Ba sẽ trình bày và phân tích dấu hiệu pháp lý về tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 Bộ Luật hình sự.

Trộm cắp tài sản là gì?

Trộm cắp tài sản (quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) là hành vi lén lút, bí mật chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.

Quy định về Tội trộm cắp tài sản:

điều 173 bộ luật hình sự
điều 173 bộ luật hình sự

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; (đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; (đ) Hành hung để tẩu thoát; (e) Tài sản là bảo vật quốc gia; (g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.” (Điều 173 Bộ luật Hình sự).”

Dấu hiệu pháp lý:

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 16 trở lên. Theo quy định tại điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội trộm cắp tài sản, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều này.

Khách thể của tội phạm

Tội trộm cắp tài sản chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, mà không xâm phạm đến quan hệ về nhân thân. Đây là điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, bởi trong cấu thành tội trộm cắp tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.

Mặt khách quan: 

Về hành vi: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.

Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt được thực hiện (hành động) một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết việc chiếm đoạt đó. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội trộm cắp tài sản với các tội có tính chiếm đoạt khác (như tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản…)

Việc che giấu hành vi phạm tội có thể được thực hiện bằng những hình thức khác nhau, cụ thể là:

Che giấu toàn bộ hành vi: Trường hợp này, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết được bất cứ thông tin nào về người phạm tội cũng như hành vi phạm tội (ví dụ: Lợi dụng đêm tối, lẻn vào nhà người khác lấy trộm tài sản).

Che giấu một phần hành vi: Tức chỉ che giấu riêng hành vi phạm tội (ví dụ: Kẻ phạm tội giả vờ vào hỏi chủ nhà xin nước uống, giả vờ hỏi thăm đường đi… và nhanh tay trộm tài sản giấu vào người). Trong trường hợp này chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản biết rõ người phạm tội nhưng không biết hành vi phạm tội.

Che giấu tính chất của hành vi phạm tội: Được hiểu là hành vi phạm tội được diễn ra công khai nhưng không ai biết việc phạm tội

Dấu hiệu khác:

Về giá trị tài sản chiếm đoạt:

Giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu giá trị tài sản dưới hai triệu đồng thì phải thuộc một trong các trường hợp:

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

Đã bị kết án về tội này hoặc một trong số các tội quy định tại Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175, 290 nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì ngưòi thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Tài sản là phương tiện kiếm của chính của người bị hại và gia đình họ (Ví dụ: Gia đình chỉ có một chiếc xe gắn máy duy nhất dùng để hành nghề xe ôm tạo thu nhập cho cả gia đình).

Tài sản là di vật, cổ vật.

Di vật: Là vật được giữ lại của một thời xưa hoặc của người đã mất 

Cổ vật: Là vật được chế tạo từ thời cỏ, có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nhất đinh 

Tội phạm hoàn thành từ thời điểm: Người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.

Cụ thế thời điểm đối với từng tài sản sau:

Nếu vật gọn nhỏ thì coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.

Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi là chiếm đoạt được khi đã mang được ra khỏi khu vực bảo quản.

Nếu không có khu vực bảo quản thì được coi là chiếm đoạt được khi dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu.

Hậu quả:

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản cũng là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt (tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội này).

Mối quan hệ nhân quả: Nạn nhân bị thiệt hại về tài sản là do hành vi trộm cắp của người phạm tội.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, cụ thể là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tình trạng sở hữu của tài sản, biết được tài sản họ chiếm đoạt là của người khác và mong muốn chiếm đoạt được tài sản đó.

Hình phạt

Theo đó, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 4 khung hình phạt.

Khung cơ bản quy định mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.-

Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Khung tăng nặng thứ 2 có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Khung tăng nặng thứ 3 có mức phạt tù từ 12 năm đến 20.

Hình phạt bổ sung cho tội này là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Về dấu hiệu định khung hình phạt, nhìn chung những dấu hiệu định khung hình phạt đối với Tội trộm cắp tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu nói chung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi so với các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, trong các khoản 2, 3 và 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, nhà làm luật bổ sung thêm trường hợp chiếm đoạt tài sản thỏa mãn dấu hiệu định khung về trị giá tài sản quy định tại khung hình phạt liền kề nhẹ hơn những thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều luật đó là: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.

Bên cạnh đó, khoản 3 và khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung thêm tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.

Ví dụ về Tội trộm cắp tài sản:

Ví dụ 1: Anh T là thợ sửa điện. Một lần anh đến nhà chị H để sửa chữa đường dây điện bị hỏng, khi vào nhà anh để ý thấy có chiếc ví trên bàn, anh đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Lợi dụng lúc chị H đi mua dây điện, anh đã lấy trộm chiếc ví và đem tiền đi tiêu xài, trong ví có 7 triệu đồng tiền mặt.

Vụ dụ 2: C giả làm nhân viên khách sạn M, dọn dẹp một số cây kiểng trong khuôn viên của khách sạn. C đã dùng xe chở một số cây kiểng quý đi để chiếm đoạt số cây kiểng đó. Trường hợp này C lén lút với mọi người xung quanh nên phạm tội trộm cắp tài sản chứ không phải tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.