Chế định thừa phát lại

Chế định thừa phát lại

Chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân. Hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vì vậy, người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình.

Nhằm xác định rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại, bài viết này xin giới thiệu những nội dung cơ bản về chế định Thừa phát lại theo các quy định của pháp luật hiện hành. Vậy chế định thừa phát lại được quy định thế nào. Bài viết về chế định thừa phát lại của Rong Ba giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận pháp luật về quy định này.

Thừa phát lại là gì theo chế định thừa phát lại

Nghị định 61/2009 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013 của Chính phủ, quy định về chức danh thừa phát lại: Là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm một số công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chế định thừa phát lại ở Việt Nam tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và thời gian đầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa mới giành được chính quyền (cho đến ngày 22-5-1950, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”). Ở miền Nam, chế định thừa phát lại tiếp tục tồn tại đến năm 1975.

Đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Quốc hội khóa 12 ban hành Nghị quyết số 24/2008 cho thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23-11-2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết số 36/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và đến ngày 25-11-2015 thì thông qua Nghị quyết số 107/2015, chính thức cho thực hiện chế định thừa phát lại trong phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1-1-2016.

Song song với các nghị quyết của Quốc hội, Nghị định số 61 ra đời quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, qua đó xác định văn phòng thừa phát lại là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh có chức năng thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án; lập vi bằng và tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

Như vậy, thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên… Một mặt thừa phát lại không phải là công chức, không phải người đại diện cho nhà nước, nhưng mặt khác, thừa phát lại được nhà nước tuyển chọn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bổ nhiệm để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Chức năng của thừa phát lại quy định tại chế định thừa phát lại

Tổ chức thừa phát lại thực hiện 4 chức năng chính, bao gồm: Thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án; lập vi bằng và tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.

Trong đó, công việc thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án dân sự được quy định cho thừa phát lại giống như cơ quan thi hành án dân sự tư nhân. Điều này có nghĩa nếu đương sự được tòa xử thắng kiện, nhưng bên thua kiện không chấp hành thì theo quy định, đương sự có thể yêu cầu cơ quan thi hành án của Nhà nước thực hiện bản án.

Nhưng theo Nghị định số 61/2009, đương sự có thêm lựa chọn là nhờ Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án theo yêu cầu, thay cho cơ quan thi hành án dân sự. Dĩ nhiên, cơ quan này phải tuân theo quy định của pháp luật.

Tiếp đến là vấn đề xác minh điều kiện thi hành án. Theo quy định, người được thi hành án có quyền tự mình xác minh điều kiện thi hành án, tuy nhiên, trong thực tế, không phải công dân nào cũng có đủ trình độ pháp luật để thực hiện việc này. Vì thế, việc nhờ đến một tổ chức chuyên nghiệp như thừa phát lại sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

Chức năng lập vi bằng cũng được xem là một trong những chức năng quan trọng nhất của thừa phát lại, bởi vi bằng được hiểu là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý về sau.

Vi bằng có rất nhiều hình thức, chẳng hạn như vi bằng về đặt cọc; ghi nhận hiện trạng; giao nhận tiền, tài sản trong các giao dịch; thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng; ghi nhận các bên ký tên vào văn bản cam kết, thỏa thuận, tờ xác nhận, trình bày lời khai; ghi nhận việc từ chối công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện…

Như thế, bằng cách này hay cách khác, việc được lập vi bằng sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch minh bạch và khó “đổi trắng thay đen” trước pháp luật.

Và cuối cùng, thừa phát lại có chức năng tống đạt các văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Điều này có nghĩa là thông báo, giao nhận các văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định pháp luật cho đương sự. Đây là cách để đương sự không thể nói “tôi không biết”, “tôi chưa nhận được văn bản”… hoặc viện dẫn các quy định trong luật tố tụng để trốn tránh nghĩa vụ của mình.

Chế định thừa phát lại
Chế định thừa phát lại

 Về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại theo chế định thừa phát lại

 a) Điều 10 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định cụ thể 6 điều kiện để bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:

        – Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;

        – Không có tiền án;

        – Có bằng cử nhân luật;

      – Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên;        

        – Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức;

       – Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

b) Về thủ tục bổ nhiệm, việc bổ nhiệm được thực hiện theo thủ tục tại  Điều 12 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP: Người muốn được bổ nhiệm làm Thừa phát lại phải có hồ sơ nộp tại Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

        –  Đơn xin bổ nhiệm làm Thừa phát lại;

      – Giấy chứng nhận sức khỏe; lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp; bản sao các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định.

Về hình thức hình thức, trình tự, thủ tục và điều kiện cho Thừa phát lại hoạt động:

Về hình thức hoạt động, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Thừa phát lại hoạt động thông qua hình thức Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng. Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

 Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đảm bảo các điều kiện:

       – Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động

       – Tổ chức bộ máy Văn phòng Thừa phát lại đảm bảo gồm: Trưởng Văn phòng phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại. Thừa phát lại có thể là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại hoặc Thừa phát lại có thể làm việc theo hợp đồng tại văn phòng Thừa phát lại. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý, Nhân viên kế toán và Nhân viên hành chính khác (nếu có). Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy và do Bộ Công an quy định. Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Văn phòng Thừa phát lại được thành lập theo thủ tục là phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp tại Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Hồ sơ gồm có:

       – Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

      – Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của họ; địa điểm đặt trụ sở; các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

        – Bản sao quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại.

 Sau khi thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải Đăng ký hoạt động thì mới đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc hoạt động. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Việc đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại phải có đủ các điều kiện:

        – Phải mở tài khoản và đăng ký mã số thuế;

      – Phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi Thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh;

      – Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định.

       – Khi đăng ký hoạt động phải có đơn đăng ký hoạt động và giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung: Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; Họ, tên, số quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại hành nghề trong Văn phòng Thừa phát lại; Số, ngày, tháng, năm cấp giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động và ngày bắt đầu hoạt động. Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Rong Ba về chế định thừa phát lại. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về chế định thừa phát lại và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin