Cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài

Giấy phép lao động là một giấy tờ vô cùng quan trọng để người nước ngoài có thể làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những trường hợp như làm thất lạc, rách nát giấy tờ.

Đối với những tình huống như vậy,  việc cấp lại giấy phép lao động là một thủ tục không quá khó khăn phức tạp. Hãy cùng Rong Ba tìm hiểu Thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài trong bài viết này.

Cơ sở pháp lý để cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài

Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;

Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm;

Thông tư số 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14 ban hành ngày 20/11/2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021;

Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2020 có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

Giấy phép lao động là gì

Giấy phép lao động là bằng chứng chứng tỏ người lao động nước ngoài đủ điều kiện làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Tên tiếng Anh là work permit, còn để phân biệt với các quốc gia khác thì dùng Vietnam Work Permit.

Đây là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho người lao động nước ngoài khi đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam.

Nghĩa là giấy phép lao động sẽ chứng minh rằng người được cấp phép được pháp luật Việt Nam bảo vệ theo luật lao động của Việt Nam cũng như quyền lợi hợp pháp của họ được bảo vệ chính đáng.

Lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động (gọi là lao động chui) sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, giấy phép lao động chỉ có giá trị cao nhất là 2 năm. Trước khi giấy phép lao động hết hạn, người có tên trên giấy phép lao động phải xin gia hạn giấy phép lao động nếu muốn tiếp tục làm việc, hoặc trả giấy phép lao động hết hạn cho bên sử dụng lao động người nước ngoài, sau đó, trả giấy phép lao động này về cho cơ quan cấp.

Trên giấy phép lao động ghi những gì

Để cụ thể hóa, vui lòng xem Mẫu giấy phép lao động, tuy nhiên có những điểm chính cần lưu ý:

Họ tên của người lao động nước ngoài (LĐNN)

Ngày tháng năm sinh

Quốc tịch và số hộ chiếu

Trình độ chuyên môn

Cơ quan mà LĐNN đang làm việc

Vị trí công việc (chức vụ)

Thời hạn giấy phép: tối đa 2 năm

Kích thước giấy phép: giống như tờ A4

Những đối tượng nào được cấp giấy phép lao động

Pháp luật Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực trong nước. Do đó, không phải người nước ngoài nào cũng được vào Việt Nam làm việc và được cấp GPLĐ.

Chỉ đối với các chức danh, vị trí công việc mà người Việt Nam không đảm nhận được mới được sử dụng lao động nước ngoài để thay thế.

Căn cứ khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước chỉ cấp giấy phép lao động cho 04 vị trí, chức danh công việc sau đây:

Nhà quản lý doanh nghiệp

Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.

Căn cứ khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp thì người quản lý doanh nghiệp gồm những đối tượng sau:

Chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thành viên hợp danh.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên.

Chủ tịch công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Giám đốc điều hành

Giám đốc điều hành (CEO) là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp chỉ có một giám đốc điều hành duy nhất, là người quyết định mọi vấn đề hoạt động của công ty.

Các giám đốc phòng ban hoặc bộ phận trong doanh nghiệp không phải là giám đốc điều hành và không được cấp giấy phép lao động.

Chuyên gia

Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Lao động kỹ thuật

Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo;

Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động

Theo điều 12 nghị định 152/2020/NĐ-CP thì các trường hợp được thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lao động 2022 gồm có:

Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất.

Giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng.

Thay đổi họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.

Yêu cầu, điều kiện cấp lại giấy phép lao động

Để đảm bảo điều kiện về giấy phép lao động cho người nước ngoài trong trường hợp không may bị mất, hỏng hoặc thay đổi thông tin, Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể các trường hợp cấp lại giấy phép lao động, theo đó, để được cấp lại giấy phép lao động, người nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Thuộc một trong 03 trường hợp: mất; hỏng; thay đổi thông tin về họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc.

Giấy phép lao động tại thời điểm yêu cầu cấp lại phải còn thời hạn.

Lưu ý: Trước đây trường hợp giấy phép lao động còn hạn ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày được xin cấp lại. Nhưng theo quy định của nghị định 152/2020/NĐ-CP, trường hợp này thuộc diện gia hạn giấy phép lao động.

Hồ sơ thủ tục cấp lại giấy phép lao động

Theo điều 13 nghị định 152/NĐ-CP thì thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lao động 2022 gồm những giấy tờ, văn bản sau:

Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI.

02 ảnh màu (kích thước 4 cm X 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

Bản gốc hoặc sao y giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp:

Trường hợp giấy phép lao động bị mất thì phải có xác nhận của cơ quan công an cấp xã nơi người nước ngoài cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật;

Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động thì phải có các giấy tờ chứng minh.

Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (bản gốc hoặc sao y)

Ghi chú: Nếu giấy tờ do nước ngoài cấp thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt, công chứng tư pháp theo quy định của pháp luật.

Mẫu khai hồ sơ làm thủ tục cấp lại giấy phép lao động 2022

Theo nghị định 152/2020/NĐ-CP thì từ ngày 15/2/2021 Hồ sơ làm thủ tục cấp lại giấy phép lao động sẽ không dùng mẫu số 7 thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH nữa mà dùng Mẫu số 11/PLI – Văn bản đề nghị cấp/cấp lại/gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài

Trình tự thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài

Sau khi phát hiện mất giấy phép lao động, giấy phép lao động bị hỏng, hoặc thay đổi thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp hộ chiếu, địa điểm làm việc so với giấy phép lao động đang sử dụng, người lao động phải báo cáo cho người sử dụng lao động cũng như thực hiện các công việc cần thiết khác, ví dụ như xin xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp mất giấy phép lao động.

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 152/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH năm 2021, việc xin cấp lại giấy phép lao động được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.

Nơi nộp: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cách thức thực hiện: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bước 3: Đến nhận giấy phép lao động được cấp lại.

Thời gian giải quyết: Trong 03 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành cấp lại giấy phép lao động.

Nếu không cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lệ phí cấp lại giấy phép lao động

Thực hiện tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Không mất phí.

Thực hiện tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Theo lệ phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại bằng thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động. Điều này được quy định rõ ràng tại Điều 15 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Như vậy, giấy phép lao động được cấp lại chỉ có thời hạn tương ứng với thời gian từ khi xin cấp lại đến thời điểm giấy phép lao động cũ hết hạn.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Rong Ba về cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành đăng ký giấy phép lao động, hãy liên hệ Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin