1. Bạo lực học đường là gì?
Hiện nay chúng ta thường nhắc đến thuật ngữ ” bạo lực học đường” một cách vô cùng phổ biến bởi lẽ tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều ở lứa tuổi cac em học sinh hiện nay. Do trình độ phát triển của xã hội cũng như sự phát triển của internet kèm theo thì tình trạng bạo lực cũng gia tăng. Bởi những mâu thuẫn bất đồng xảy ra trên mạng hay là những hiểu lầm nho nhỏ mà các em không biết cách xử lý làm sao cho đúng mực dẫn đến tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
Bạo lực là gì? Bạo lực là hành vi dùng vũ lực để đe dọa một người khác để nhằm đạt được mục đích nhất định.
Vậy bạo lực học đường là gì? Bạo lực học đường chúng ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Bạo lực học đường có thể hiểu là hành vi gây ảnh hưởng một cách tiêu cực đến một học sinh nào đó. Có thể thực hiện bằng lời nói hoặc hành động để tấn công một cá nhân chứ không phải như ta nghĩ bạo lực học đường đơn thuần chỉ là hành vi dùng vũ lực để tác động lên một học sinh thì mới được coi là bạo lực học đường. Tóm lại bạo lực học đường có thể hiểu là hành vi dùng vũ lực hay lời nói để gây ảnh hưởng một cách tiêu cực đến một học sinh khác , cách hành vi đó có thể là đánh đập, chửi mắng, xỉ nhục, hành hạ hay là bài trừ trong lớp, chê bai hình thể…vv.
Tại nghị định 80/2017/NĐ-CP có quy định về hành vi bạo lực học đường theo đó tại khoản 5 điều 2 có quy định : Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm phạm thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi khác gây tổn hại về vật chất và tinh thần của người học xảy ra tại cơ sở học tập.
Như vậy, bạo lực học đường là một hành vi có chủ đích đối với người khác nhằm gây tổn thương về mặt thân thể và tinh thần. Đây là hành vi trái với pháp luật cũng như trái đạo đức xã hội , cần loại bỏ tại môi trường giáo dục một cách triệt để nhất. Điều này là vô cùng khó khăn trong một môi trường vô cùng hiện đại và mạng xã hội phát triển một cách nhanh chóng và có vẻ đang bị mất kiểm soát ở giới trẻ Việt Nam hiện nay. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta từ bỏ bới vì bạo lực học đường ảnh hướng rất lớn đến các em học sinh hiện nay, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và hình thành tính cách trong tương lai của cá nhân học sinh ,cả đối tượng bị bạo lực và đối tượng đi bạo lực.
2. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay tại Việt Nam
Cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới internet thì bạo lực học đường cùng từ đó mà ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như là đánh đập,tẩy chay, bêu rếu, uy hiếp trên phương tiện điện tử, đổ đồ ăn lên người, bắt người khác làm theo ý mình..
Hiện nay bạo lực học đường được nhắc đến ở Việt Nam một cách rất phổ biến nhiều người còn coi đó là một việc xảy ra vô cùng bình thường mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra sau này. Theo thống kê tại Việt Nam thì cứ có khoảng 5.200 học sinh thì sẽ có một vụ bạo lực học đường và cứ 11.000 học sinh thì sẽ có một học sinh bị đình chỉ học vì đánh nhau. Hầu hết tại một số trường THPT thì một năm sẽ xử lý từ 3-4 vụ đánh nhau và đình chỉ học 1-3 học sinh trên một năm. Như vậy chúng ta có thể thấy con số này có nguy cơ ngày một sẽ càng gia tăng và có xu hướng ngày càng tăng nhanh về số vụ cũng như về mức độ nghiêm trọng của từng vụ. Chính vì sự nghiêm trọng của hành vi bạo lực học đường mà bản thân gia đình, nhà trường, cộng đồng cần có sự phối hợp với nhau trong giải quyết tình trạng bạo lực xảy ra. Chúng ta không thể nắm được sẽ có những hậu quả nghiệm trọng như thế nào sẽ tiếp xảy ra, bởi hiện nay tình trạng mà học sinh, sinh viên cầm dao, gạch, tuýp… đánh nhau là vô cùng phổ biến và các vụ đánh nhau này diễn ra một cách có tổ chức dẫn đến nhiều học sinh nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều nguy kịch
Tuy nhiên nhiều vụ bạo lực học đường lại bị che giấu bởi chính những người lãnh đạo trong trường nhằm bảo vệ uy tín của trường, mà nhà trường đã chọn cách giải quyết trong âm thầm và nghiêm cấm học sinh, sinh viên hay thầy cô giáo trong trường nói vấn đề này ra trường, tình trạng này đặc biệt xảy ra ở các trường học lớn, có tiếng. Như vậy thì hành động này có đang tiếp tay cho bạo lực học đường phát triển? Câu trả lời là chắc chắn là có.
Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng, bạo lực học đường đang ngày càng phát triển ở nước ta hiện nay, nhưng các cơ sở giáo dục hay nhà trường và xã hội đang còn quản lý chưa chặt và có hành vi bao che. Như vậy thì rất khó khăn trong việc đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Hơn nữa các hành vi bạo lực học đường cũng rất là đa dạng không chỉ đánh nhau mới được coi là bạo lực mà còn nhiều hành vi khác nữa như là bêu rếu, xỉ nhục, lăng mạ, tẩy chay, tấn công thông qua mạng internet… trong đó tấn công qua mạng internet là hành vi khó kiểm soát nhất nếu bản thân người bị tấn công không nói ra. Hiện nay dưới sự phát triển của internet mạng xã hội thì hầu hết các học sinh dù ở độ tuổi rất nhỏ cũng đã được dùng điện thoại, laptop và có trong mình một tài khoản mạng riêng và tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân con nên thông thường ba mẹ cũng không thể kiểm tra được điện thoại và nếu bản thân em học sinh không nói ra việc mình bị tấn công trên mạng xã hội, hay bị các bạn nói xấu trên mạng thì sẽ không có ai biết để ngăn chặn được những hành vi như vậy.
Đi đôi với những thuận tiện mà mạng xã hội, internet mang lại thì cũng tồn tại những tiêu cực đó là môi trường bạo lực học đường xảy ra nếu các em không biết quản lý tài khoản một cách đúng hay là biết tham gia những trang mạng bổ ích mà bị cuốn vào những cái xấu trong mạng xã hội. Điều này là vô cùng nguy hiểm.
3. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng
– Thứ nhất là từ phía gia đình: Gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên, nên hành vi của các em ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Gia đình không để ý đến các em, bỏ mặc sự giáo dục cho nhà trường là hoàn toàn sai hay là nền tảng gia đình không tốt, các em bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực ở trong chính gia đình mình cũng là nguyên nhân khiến những học sinh này có xu hướng bạo lực nhiều hơn những học sinh có môi trường giáo dục tại gia đình tốt.
– Thứ hai từ phía nhà trường: bạo lực học đường diễn ra thì một phần nguyên nhân nào đó là xuất phát từ chính môi trường đạo tạo của nhà trường, nhà trường có mô hình giáo dục chưa đúng cách, mang tính hàn lâm quá nhiều mà quên đi các hoạt động hay là chú trọng giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các em
Bên cạnh đó việc nhà trường mãi chạy đua theo thành tích mà có những hành vi sai lệch, bao che cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực xảy ra một cách phổ biến.
– Thứ ba là từ phía xã hội: Môi trường sống ảnh hướng rất lớn đến nhân cách của một con người, nếu như một người sống trong môi trường xã hội nhiều tiêu cực, nhiều hành vi phạm tội hay bạo lực xảy ra một cách rất phổ biến thì những đứa trẻ đó sẻ có xu hướng bạo lực và phạm tội nhiều hơn so với những đứa trẻ khác
4. Giải pháp giảm bạo lực học đường
Xuất phát từ những nguyên nhân trên thì chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp như sau:
– Xây dựng lại mô hình đạo tạo trong trường
– Từ phía gia đình cũng cần có sự phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục , quản lý các em học sinh.
– Hạn chế, và quản lý một cách hiệu quả thời gian tham gia mạng xã hội của các em, tránh tình trạng để các em tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội. Cũng như thực hiện hướng dẫn các em tham gia mạng internet một cách hiệu quả nhất
– Giáo dục các em khi gặp phải tình trạng bạo lực học đường thì nên xử lý như thế nào hoặc nếu không may bản thân mình là nạn nhân của bạo lực học đường thì các em sẽ và nên hành động như thế nào cho đúng cho hợp lý nhất.
– Thực hiện giáo dục nhân cách cho học sinh, thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa về kĩ năng sống, về đạo đức hay là thông tin pháp luật
– Bản thân các em học sinh cần tự bản thân mình rèn luyện, mài rủa nhân cách của chính bản thân mình, nâng cao hơn nữa nhận thức của bản thân, biết được đâu là việc nên làm đâu là việc không nên làm.
– Thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bạo lực học đường, tuyên truyền đến các em thông điệp nói không với hiện tượng bạo lực
5. Hành vi bạo lực học đường sẽ được xử lý như thế nào?
Các hình thức kỷ luật đối với học sinh hiện nay là: bao gồm 03 hình thức sau ( căn cứ thông tư 08/TT năm 1988)
– Cảnh cáo toàn trường
– Đuổi học một tuần lễ
– Đuổi học một năm
Ngoài ra tùy theo mức độ của vụ việc mà nhiều hành vi bạo lực có thể dẫn đến một hành vi pháp lý khác đó là bị xử lý hình sự theo quy định của Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy ta có thể nhận thấy hành vi bạo lực học đường là một hành vi xấu, có thể dẫn đến những nguy hại đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Các hành vi này cần được loại bỏ trong môi trường giáo dục, và để loại bỏ những hành vi đó thì cần sự chung tay giúp sức của toàn bộ xã hội, một cá nhân thì không thể tự mình ngăn chặn vấn nạn bạo lực. Chính sự tác động xấu như vậy bên bản thân các em học sinh nên ý thức được hành vi của mình. Để tránh những hậu quả nghiêm trọng .