Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chế định Thừa phát lại đã được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh theo 02 giai đoạn: giai đoạn 1 từ khi bắt đầu triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đến ngày 30-6-2014; giai đoạn 2 là từ ngày 01-7-2014 đến nay. 

Vậy kết quả thực hiện chế định thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh được quy định như thế nào. Bài viết về thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh của Rong Ba giúp cho mọi người dễ dàng tiếp cận pháp luật về quy định này.

Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chế định thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

Giai đoạn 1 được Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố giám sát và Ủy ban nhân dân Thành phố, Chính phủ đánh giá như sau: “Việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ với những kết quả đạt được về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh là thành công, mô hình Thừa phát lại phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ…

Hiệu quả hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự và chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra”

Qua sơ kết việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) cho thấy: Từ sau ngày 01-7-2014, hoạt động Thừa phát lại tại Thành phố vẫn đảm bảo tính liên tục, ổn định; các văn phòng Thừa phát lại vẫn ổn định về tổ chức, nhân sự; kết quả hoạt động về số lượng vụ việc và doanh thu vẫn có chiều hướng tăng.

Công tác thông tin tuyên truyền về Thừa phát lại đã được chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức và cho nhiều đối tượng khác nhau để tạo thuận lợi về nhận thức cho quá trình triển khai tiếp theo góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, giúp cho người dân biết và sử dụng các dịch vụ của Thừa phát lại.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý, phối hợp và hỗ trợ đối với hoạt động của Thừa phát lại tiếp tục được thực hiện tốt trên cả 3 mặt: chủ thể phối hợp, nội dung phối hợp và hình thức phối hợp.

Kết quả thực hiện chế định thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

Một số nội dung đã thực hiện như: thống nhất phương án phân chia địa hạt mà các văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt văn bản của tòa án và cơ quan thi hành dân sự; thống nhất quyết định mức chi phí tống đạt cụ thể; phối hợp cung cấp thông tin cho hoạt động của Thừa phát lại; định kỳ họp liên ngành để trao đổi thông tin, kịp thời có hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động của Thừa phát lại; phối hợp thực hiện khảo sát, đánh giá tác động kinh tế – xã hội của việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố; phối hợp tổ chức tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh cho một số địa phương mới triển khai thi điểm chế định Thừa phát lại;

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự quận, huyện nơi có văn phòng Thừa phát lại mời Thừa phát lại tham gia một số cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự quận, huyện để kịp thời nắm bắt, cập nhật về chuyên môn, nghiệp vụ và tình hình thi hành án tại địa phương để phối hợp thực hiện tốt công tác này.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và phát triển nghề thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

Sở Tư pháp chủ động tiến hành khảo sát ý kiến (bằng phiếu) của các văn phòng Thừa phát lại, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế, ngân hàng về chất lượng hoạt động của Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại để xác định trọng tâm về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cần bồi dưỡng cho Thừa phát lại.

Tính đến nay, trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp Thành phố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 75 người làm Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời miễn nhiệm Thừa phát lại theo nguyện vọng cá nhân cho 9 người.

Trong giai đoạn 2, số lượng việc thực hiện cũng như doanh thu trong từng công việc mà Thừa phát lại được làm tăng đáng kể so với khoảng thời gian cũng hơn 2 năm của Giai đoạn 1, cụ thể:

Trong giai đoạn 2, việc tống đạt văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự chỉ chiếm 27,91% về số lượng và 24,19% về chi phí tống đạt thu được so với tổng số văn bản đã tống đạt và tổng số chi phí tống đạt đã thu được (trong giai đoạn 1, các tỷ lệ này tương ứng là 20,52% và 18,4%).

Về lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức: 

Các văn phòng Thừa phát lại đã lập và đăng ký tại Sở tư pháp 17.884 vi bằng (tăng 256% so với giai đoạn 1) với chi phí thu được là trên 21 tỷ đồng (tăng 124% so với giai đoạn 1).

Sự gia tăng số lượng vi bằng được lập và được đăng ký cho thấy nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức về lập vi bằng để dùng làm chứng cứ cung cấp cho Tòa án phục vụ việc xét xử và để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác là rất lớn. Một số vi bằng đã được sử dụng làm chứng cứ trong các vụ khiếu kiện và góp phần quan trọng trong việc chứng minh cho yêu cầu của người kiếu kiện.

Về xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự: 

Các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện được 210 việc xác minh điều kiện thi hành án (tăng 43% so với giai đoạn 1) với chi phí xác minh điều kiện thi hành án thu được là 756 tỷ đồng (tăng 11% so với giai đoạn 1). Trong đó, số lượng việc không thực hiện được (không xác minh được) là 2 vụ việc (không tăng so với giai đoạn 1).

Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh
Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh

Về trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: 

Các văn phòng Thừa phát lại đã trực tiếp tổ chức thi hành án chấm dứt 52 việc (tăng 100% so với giai đoạn 1). Trong đó: Chấm dứt trong trường hợp người phải thi hành án đã thực hiện xong các nghĩa vụ thi hành án theo văn bản yêu cầu thi hành án là 29 việc (tăng 100% so với giai đoạn 1); chấm dứt trong trường hợp theo thỏa thuận giữa Thừa phát lại và đương sự là 14 việc (tăng 40% so với giai đoạn 1). 

Giá trị thi hành án về tiền là trên 59 tỷ đồng (tăng 712% so với giai đoạn 1) với chi phí thi hành án thu được (bao gồm phí thi hành án theo quy định pháp luật và chi phí khác theo thỏa thuận) là trên 1,3 tỷ đồng (tăng 268% so với giai đoạn 1). Tổng doanh thu trong giai đoạn 2 là gần 40 tỷ đồng (tăng 132% so với giai đoạn 1). 

Xét về khía cạnh hiệu quả tổ chức thi hành án, trong cả 29 vụ việc chấm dứt trong trường hợp người phải thi hành án đã thực hiện xong các nghĩa vụ thi hành án theo văn bản yêu cầu thi hành án, Thừa phát lại thực hiện tốt việc giải thích, thuyết phục để người phải thi hành án tự nguyện thi hành, đã hạn chế tối đa được việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là chưa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ.

Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cơ bản như sau:

Đối với các công việc thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: Mặc dù mức chi phí tống đạt quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC đã được nâng lên so với quy định trước đây.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 138/TANDTC-KHTC ngày 13-8-2014 hướng dẫn “trường hợp tống đạt từ hai văn bản trở lên cho cùng một người và cùng một thời điểm thì tính tống đạt một văn bản; trường hợp tống đạt cho nhiều người nhưng ở cùng địa chỉ trong phường, xã, thị trấn vào cùng thời điểm thì tính không quá 30.000 đồng cho người thứ hai trở đi”.

Đối với việc lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức: 

Quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, thủ tục lập vi bằng (đặc biệt là thủ tục, giá trị pháp lý của việc đăng ký vi bằng, phạm vi trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc đăng ký vi bằng) tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP chưa rõ, gây khó khăn, lúng túng cho chính hoạt động của Thừa phát lại lẫn hoạt động quản lý nhà nước mà cụ thể là việc đăng ký vi bằng của Sở Tư pháp.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, chưa rõ ràng đối với những vướng mắc mà Sở Tư pháp đã kiến nghị còn làm cho một số cơ quan, tổ chức, cá nhân “ngộ nhận” vi bằng với văn bản công chứng vì đều có giá trị chứng cứ.

Đối với việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: 

Quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan như tín dụng, thuế… do ban hành trước khi chế định Thừa phát lại được triển khai thí điểm hoặc ban hành sau nhưng do một số lý do (trong đó có lý do chỉ mới thí điểm) nên chưa có quy định trực tiếp về Thừa phát lại (như trách nhiệm cung cấp thông tin cho Thừa phát lại, thực hiện yêu cầu về thi hành án của Thừa phát lại…) hoặc có quy định nhưng không đầy đủ.

Do đó, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân lấy lý do này để từ chối việc thực hiện hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ yêu cầu hợp pháp của Thừa phát lại. Mặc dù hạn chế là quy định gián tiếp thông qua việc dẫn chiếu Luật thi hành án dân sự nhưng khi áp dụng pháp luật thì phải căn cứ trong cả hệ thống pháp luật có liên quan và như vậy thì các quy định này đã rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. 

Như vậy, việc lấy lý do nêu trên để từ chối thực hiện hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ yêu cầu hợp pháp của Thừa phát lại là hiểu và thi hành pháp luật không đúng và không đầy đủ.

Đồng thời, Điều 28 Luật thi hành án dân sự quy định về việc chuyển giao bản án, quyết định như sau:

“1. Đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này thì Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Đối với bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này thi Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.

Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi ra quyết định.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có lien quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động và tháo gỡ những khó khăn của hoạt động Thừa phát lại, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có những đề xuất, kiến nghị sau:

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm chỉ đạo việc thực hiện Tòa án khi ra bản án, quyết định mà Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự thì giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu Thừa phát lại tổ chức thi hành án theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự và chuyển giao bản án, quyết định đó cho văn phòng Thừa phát lại theo quy định tại Điều 28 Luật thi hành án dân sự.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Rong Ba về thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin