Thủ tục thành lập văn phòng đại diện

thủ tục thành lập văn phòng đại diện

Bạn là doanh nghiệp, bạn muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và bạn lựa chọn thành lập công ty văn phòng đại diện. Tuy nhiên, bạn chưa hiểu rõ về các thủ tục thành lập văn phòng đại diện.

Tham khảo các thông tin trên mạng có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, mỗi nguồn viết theo một kiểu khiến bạn đau đầu và không biết đâu là thủ tục đúng theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, hiểu được những khó khăn của bạn, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết dưới đây nhé.

Khái niệm và phân loại văn phòng đại diện

Để biết rõ trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục thành lập văn phòng đại diện công ty thì bạn cần hiểu rõ về bản chất của văn phòng đại diện và sự phân loại của nó. Cụ thể

Căn cứ theo khoản 2 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

Điều 45. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.

Doanh nghiệp có quyền lập văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới hành chính.

Như vậy, thành lập văn phòng đại diện là quyền của doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền thành lập văn phòng đại diện ở trong nước hoặc là ở nước ngoài. Đồng thời doanh nghiệp cũng được phép thành lập một hoặc nhiều văn phòng đại diện tại một địa phương.

Mặt khác, Theo khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (VPĐD) là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Như vậy, cả doanh nghiệp trong nước hay thương nhân nước ngoài đều có quyền thành lập văn phòng đại diện.

Theo đó, văn phòng đại diện được phân thành hai loại là văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước và văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Phân biệt thủ tục thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa thủ tục thành lập văn phòng đại diện với thủ tục thành lập chi nhánh. Thực tế, đây là hai loại hình hoàn toàn khác nhau, cùng đối chiếu qua bảng dưới đây nhé.

Tiêu chí

Chi nhánh

Văn phòng đại diện

Khái niệm

Theo khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó (Khoản 2 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014)

Phạm vi hoạt động

Được thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng kinh doanh và chức năng đại diện theo quyền

– Thực hiện nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích đó.

– Văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh

Nghĩa vụ thuế

– Chi nhánh nộp thuế môn bài tại Cơ quan thuế nơi có trụ sở chi nhánh

– Trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì thực hiện kê khai  thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi có trụ sở chính

– Chi nhánh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

– Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh nên không nộp thuế môn bài

– Văn phòng đại diện phải nộp hồ sơ khai thuế đối với những sắc thuế Văn phòng đại diện phát sinh phải nộp hoặc phải nộp thay; các sắc thuế không phát sinh, Văn phòng đại diện không phải nộp hồ sơ khai thuế

Điều kiện thành lập văn phòng đại diện theo quy định hiện hành

Điều kiện thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước

Khi thực hiện thủ tục mở văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước cần đáp ứng các điều kiện về ngành nghề kinh doanh của văn phòng đại diện; tên văn phòng; địa điểm thành lập văn phòng đại diện; điều kiện về quyết định thành lập văn phòng đại diện.

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh của văn phòng đại diện:

Vì văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh nên khi làm hồ sơ thành lập văn phòng đại diện, hồ sơ về việc thành lập văn phòng đại diện không được ghi ngành nghề kinh doanh mà phải ghi là “nội dung hoạt động”.

Điều kiện về tên của văn phòng đại diện:

Việc chọn tên cho văn phòng đại diện cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản có liên quan.

Theo quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 20 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, tên của văn phòng đại diện được quy định như sau:

Tên văn phòng đại diện phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Tên văn phòng đại diện phải được viết hoặc gắn tại trụ sở văn phòng đại diện.

Ngoài tên bằng tiếng Việt, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt.

Phần tên riêng trong tên văn phòng đại diện của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

Điều kiện về địa điểm thành lập văn phòng đại diện:

Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định không được sử dụng căn hộ chung cư, nhà tập thể vào mục đích không phải để ở. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 7 Điều 80 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở về xử lý chuyển tiếp đối với việc phát triển và quản lý nhà ở: Trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh này phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (01/7/2016); cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh phải làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang địa điểm khác trong thời hạn quy định tại Khoản này; quá thời hạn quy định tại khoản này thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.”

Như vậy, địa chỉ trụ sở của văn phòng đại diện công ty không được là nhà tập thể, nhà chung cư (tương tự như trụ sở của công ty).

Điều kiện về quyết định thành lập văn phòng đại diện:

Trước khi thành lập văn phòng đại diện, các thành viên có thẩm quyền quyết định việc thành lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải tổ chức cuộc họp và thông qua quyết định đó.

Nghĩa là doanh nghiệp cần chuẩn bị quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập văn phòng đại diện;

Điều kiện khi mở văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 14 Nghị định 07/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:

Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).

thủ tục thành lập văn phòng đại diện
thủ tục thành lập văn phòng đại diện

Thương nhân nước ngoài dự định thành lập văn phòng đại diện không thuộc một trong các trường hợp sau:

Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.

Việc thành lập Văn phòng đại diện bị hạn chế theo quy định của pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tục thành lập văn phòng đại diện

Trong nội dung về thủ tục thành lập văn phòng đại diện sẽ bao gồm các bước chuẩn bị để xin thành lập văn phòng đại diện hợp pháp.

Chuẩn bị hồ sơ theo quy định

Hồ sơ đăng ký văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp Việt Nam muốn thành lập văn phòng đại diện công ty thì phải chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu, giấy tờ sau đây

Thông báo về việc đăng ký hoạt động văn phòng đại diện (Phụ lục II-11, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);

Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập văn phòng đại diện;

Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng đại diện;

Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của người đứng đầu văn phòng đại diện.

Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-18, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) đối với doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương chưa thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp để được cấp đăng ký doanh nghiệp thay thế nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

Hồ sơ đăng ký văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam

Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;

Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;

Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;

Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;

Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Văn bản bổ nhiệm, Báo cáo tài chính, bản sao hộ chiếu phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền và xem xét

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên thi bước tiếp theo là bạn phải nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền.

Với doanh nghiệp trong nước

Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải gửi Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.

Khi nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để yêu cầu mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.

Với doanh nghiệp nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 07/2016/NĐ-CP về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện.

Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao cấp đối với những trường hợp Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập Văn phòng đại diện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Những vấn đề cần lưu ý sau khi thành lập văn phòng đại diện

Các thủ tục thành lập văn phòng đại diện không chỉ dừng lại ở thủ tục về xin giấy chứng nhận đăng ký văn phòng đại diện mà còn bao gồm cả các thủ tục sau khi thành lập. Bao gồm

Về nộp lệ phí môn bài

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.

Từ ngày 1/1/2017, Văn phòng đại diện phải đóng thuế môn bài. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày có ĐKKD của văn phòng đại diện phải kê khai và nộp thuế môn bài.

Ngày 24/01/2017, Bộ Tài chính ban hành công văn 1200/BTC-TCT, hướng dẫn về chính sách thuế của văn phòng đại diện như sau:

Tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài quy định: Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm: Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).

Căn cứ vào quy định trên, Văn phòng đại diện thực hiện các hoạt động như đại diện, tiếp thị, tìm hiểu thị trường không có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàng hòa dịch vụ thì không phải đóng thuế môn bài.

Lưu ý về thuế thu nhập cá nhân đối với

nhân sự của văn phòng đại diện:

Văn phòng đại diện có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền công, tiền lương của nhân viên Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP; thủ tục, hồ sơ kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP.

Về việc sử dụng và phát hành hóa đơn:

Văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh, không có thu nhập từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, nên không phải phát hành và sử dụng hóa đơn;

Văn phòng đại diện phải nộp hồ sơ khai thuế hàng tháng (Quý) đối với những sắc thuế Văn phòng đại diện phát sinh phải nộp hoặc phải nộp thay; các sắc thuế không phát sinh, Văn phòng đại diện không phải nộp hồ sơ khai thuế.

Treo biển tại Văn phòng Đại diện

Thực hiện treo biển hiệu tại chi nhánh.

Biển hiệu có các thông tin: Tên văn phòng đại diện, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, cơ quan chủ quản.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi để các doanh nghiệp có nhu cầu thành lập văn phòng đại diện có thể tham khảo để thực hiện thủ tục thành lập văn phòng đại diện công ty thuận lợi và suôn sẻ nhất. Mọi thắc mắc xin liên hệ với Rong Ba Group để được tư vấn chi tiết nhất nhé.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin