Thủ tục giải thể công ty

thủ tục giải thể công ty

Bạn cảm thấy quá mệt mỏi với các trình tự thủ tục giải thể công ty theo các quy định hiện hành; bạn thấy nó thật khó khăn và rườm rà và tốn thời gian của bạn; … Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn hiểu rõ về các bước làm.

Nhưng những cách làm đó là nằm ở đâu. Đó là ngay trong nội dung bài viết này. Chúng tôi sẽ chỉ rõ cho bạn biết những điều kiện cũng như trình tự, thủ tục mà bạn cần biết để giải thể công ty một cách thuận lợi nhất nhé.

Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Trước khi biê tìm hiểu các thủ tục giải thể doanh nghiệp thì bạn cần hiểu khi mà mình có thể thực hiện giải thể công ty.

Với mỗi trường hợp thì thủ tục giải thể sẽ có sự khác nhau. Theo đó, giải thể doanh nghiệp bao gồm giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.

Giải thể tự nguyện

Giải thể tự nguyện là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Giải thể doanh nghiệp tự nguyện diễn ra khi kết thúc thời hạn đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn hoặc khi chủ sở hữu doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên giải thể không phải là cách duy nhất đẻ chủ sở hữu doanh nghiệp dừng các hoạt động kinh doanh và giải phóng các nghĩa vụ tài sản.

Bán doanh nghiệp và chuyển giao các quyền và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp cho người mua là giải pháp ưu việt có thể được chủ doanh nghiệp lựa chọn nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế.

Do vậy, trong thực tiễn kinh doanh, giải thể doanh nghiệp thường chỉ tiến hành khi việc bán doanh nghiệp không thực hiện thành công.

Tại điểm a, b khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp về các trường hojep và điều kiện giải thể doanh nghiệp được quy định như sau

Điều 201. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

Theo đó, khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn thì doanh nghiệp sẽ phải giải thể.

Trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động của doanh nghiệp, khi hết thời hạn này, nếu các thành viên không muốn gia hạn hoạt động thì công ty phải tiến hành giải thể.

Thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc do sự cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Doanh nghiệp giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH, của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần.

Trường hợp này, quyết định giải thể bắt nguồn từ sự tự nguyện và chủ động của chủ doanh nghiệp. Việc giải thể có thể do lợi nhuận thấp, thua lỗ kéo dài… doanh nghiệp lựa chọn giải thể để thu hồi vốn hoặc để chuyển sang loại hình kinh doanh khác.

Giải thể bắt buộc

Giải thể bắt buộc là trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình thành lập công ty và hoạt động của doanh nghiệp.

Giải thể bắt buộc khi doanh nghiệp thuộc vào trường hợp quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp như sau

Điều 201. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi công ty có số lượng thành viên giảm dưới mức tối thiểu cụ thể là giảm dưới 3 thành viên đối với CTCP; giảm dưới 2 thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, giảm dưới 02 thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh thì công ty cần có giải pháp khắc phục trong một khoảng thời gian nhất định, như kết nạp thêm thành viên mới, chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác có quy định về số lượng thành viên tối thiểu ít hơn trong thời hạn 06 tháng.

Nếu như không xử lý được theo những cách trên thì công ty thuộc trường hợp phải tiến hành giải thể.

Chế tài thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chế tài nghiêm khắc đặt ra với các vi phạm pháp luật nghiêm trọng như giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; doanh nghiệp được thành lập bởi những người bị cấm thành lập doanh nghiệp; ngừng hoạt động thời gian dài mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế…

Có thể nói, chế tài thu hồi là một trong những công cụ hiệu quả để hậu kiểm việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Điều kiện giải thể doanh nghiệp, công ty

Doanh nghiệp chỉ thực hiện thủ tục giải thể công ty để rút khỏi thị trường khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, thực hiện xong các nghĩa vụ tài sản.

Nếu mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn, doanh nghiệp sẽ thuộc trường hợp áp dụng pháp luật pháp sản để chấm dứt hoạt động.

Như vậy, có thể nói khả năng thanh toán của doanh nghiệp là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể hay phá sản.

Pháp luật luôn coi đây là điều kiện quan trọng để giải thể một doanh nghiệp. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, thủ tục pháp sản có thể được áp dụng để doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Doanh nghiệp được giải thể khi đáp ứng các điều kiện sau đây

Doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác

Doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Các điều kiện trên đã được quy định tại khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Về lý thuyết thì có thể chấp nhận những cách thức bảo đảm thanh toán hết nợ và nghĩa vụ tài sản khác như

Các khoản nợ đã được thanh toán dứt điểm, thể hiện qua hồ sơ giải thể

Một số khoản nợ được tổ chức, cá nhân khác kể cả tổ chức cá nhân là chủ sở hữu doanh nghiệp liên quan cam kết thanh toán nợ sau khi doanh nghiệp giải thể. Trường hợp này cần lưu ý đến các quy định về chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự;

thủ tục giải thể công ty
thủ tục giải thể công ty

Đối với giải thể chi nhánh, doanh nghiệp có chi nhánh giải thể có nghĩa vụ thực hiện trả nợ, vì thực chất các khoản nợ được tạo ra từ hoạt động của chi nhánh là khoản nợ của doanh nghiệp.

Thủ tục giải thể công ty theo quy định pháp luật hiện hành

Về hồ sơ giải thể doanh nghiệp

Khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);

Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp

Đối với trường hợp giải thể tự nguyện
Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

Để có thể tiến hành giải thể doanh nghiệp trước hết doanh nghiệp cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể.

Theo đó, việc giải thể phải được thông qua bởi chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bởi Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bởi Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và bởi các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên về các vấn đề liên quan đến lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lý tài sản.

Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:

Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

Lý do giải thể;

Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.

Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Khoản 2 và Khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:

Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

Nợ thuế;

Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ thể doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh khoản cao.

Với những doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc có nhiều tài sản (như bất động sản), cần thời gian dài để thanh lý và trả nợ thì thời gian này có thể sẽ không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán công nợ.

Việc thanh toán các khoản nợ là rất phức tạp vì cần phải quy định một trình tự phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người liên quan.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể tại Điều 204 Luật này.

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Khoản 8 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định việc giải thể doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức:

Trường hợp giải thể theo hồ sơ, Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp giải thể tự động, sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp mà không nhận phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Điều này đòi hỏi cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

Đối với trường hợp giải thể bắt buộc
Bước 1: Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của Tòa án đã có hiệu lực thi hành.

Kèm theo thông báo còn phải đăng tải quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án.

Bước 2: Ra quyết định giải thể và gửi quyết định này đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp và công khai quyết định này

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, doanh nghiệp phải triệu tập họp để ra quyết định giải thể.

Doanh nghiệp phải gửi quyết định giải thể và bản sao quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp.

Quyết định giải thể phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp mà pháp luật có yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan.

Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Tổ chức thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ
Bước 4: Nộp yêu cầu giải thể doanh nghiệp
Bước 5: Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật trình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Trình tự, cách thức thực hiện tại các bước 3, 4, 5 thực hiện tương tự như trường hợp giải thể tự nguyện.

Những lưu ý trong quá trình giải thể doanh nghiệp

Để việc thực hiện các thủ tục giải thể doanh nghiệp được suôn sẻ, đúng quy  định thì bạn cần nắm rõ các lưu ý sau đây

Về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đối với việc giải thể doanh nghiệp

Khoản 2, Khoản 3 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định về trách nhiệm cá nhân đối với tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Theo đó, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người nêu trên phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Về các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể

Điều 205 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, nghiêm cấm doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau đây:

Cất giấu, tẩu tán tài sản;

Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;

Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

Huy động vốn dưới mọi hình thức.

Việc quy định các hành vi bị cấm nêu trên là nhằm ngăn chặn phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ dẫn đến làm giảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời, hạn chế việc doanh nghiệp tẩu tán tài sản, trốn tránh các nghĩa vụ với các đối tác trong quá trình hoạt động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

Trên đây là hướng dẫn về thủ tục giải thể công ty mà chúng tôi bm mong muốn bạn có thể biết và thực hiện thủ tục giải thể nhanh chóng, chính xác. Hãy liên hệ với Rong Ba Group nếu bạn cần được hỗ trợ nhé.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin