Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, ngoài số lượng khách quốc tế đi du lịch đến nước ta tăng đột biến thì số lượng lao động, công dân và nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập cũng gia tăng đáng kể. 

Do đó, nhu cầu đăng ký thẻ tạm tạm trú cho người nước ngoài dần trở nên là một nhu cầu chính đáng và thiết yếu hơn bao giờ hết.

 Vậy trường hợp nào sẽ được cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài? Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài được quy định như thế nào?

Để giải đáp các thắc mắc trên, hôm nay trong bài viết này Luật Rong Ba xin được giới thiệu đến các bạn toàn bộ thông tin cơ bản về thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam được cập nhật theo các văn bản luật mới nhất nhé!

Thẻ tạm trú cho người nước ngoài là gì

Theo qui định tại điều 3 của Luật số 47/2014/QH13 về Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, trong đó có quy định về thẻ tạm trú cho người nước ngoài, thì Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và thẻ tạm trú có giá trị thay thế visa (thị thực).

Lợi ích của thẻ tạm trú cho người nước ngoài

Khoản 13 điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định:

“Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.”

Theo quy định trên thì thẻ tạm trú có giá trị thay thế thị thực. Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Khi được cấp thẻ tạm trú thì người nước ngoài sẽ có các quyền lợi như sau:

Khi đã được cấp thẻ tạm trú, người nước ngoài có quyền bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi sang Việt Nam thăm.

Người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú được bảo lãnh chồng, vợ, con dưới 18 tuổi sang Việt Nam ở cùng trong suốt thời gian thẻ tạm trú còn thời hạn nhưng phải được cơ quan, tổ chức mời hoặc bảo lãnh người đó đồng ý.

Người mang thẻ tạm trú được miễn thị thực khi xuất cảnh, nhập cảnh trong thời hạn giá trị của thẻ tạm trú.

Được đi lại tự do trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép. Trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật

Thuyền viên trên các tàu, thuyền nhập cảnh Việt Nam được phép đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.

Trường hợp đi ra ngoài phạm vi trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực.

Được đảm bảo an toàn, bảo vệ, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú hợp pháp trên lãnh thổ đất nước Việt Nam.

Vợ, chồng, con cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, hoặc cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ thì được phép làm việc nếu có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; được học tập nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục.

Đối tượng người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú ở việt nam

Căn cứ theo Điều 36 và Điều 38 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung cho Luật số 47/2014/QH13 về một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, áp dụng từ 01/07/2020  thì Thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam được cấp cho 14 đối tượng sau:

STT

Đối tượng

Ký hiệu

Thời hạn

1

Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định;

 

ĐT1

Tối đa 10 năm

2

Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định;

ĐT2

Tối đa 5 năm

3

Người nước ngoài vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

LV1

Tối đa 5 năm

4

Người nước ngoài vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

LV2

Tối đa 5 năm

5

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

LS

Tối đa 5 năm

6

Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;

NG3

Tối đa 5 năm

7

Người nước ngoài vào thực tập, học tập;

DH

Tối đa 5 năm

8

Người nước ngoài là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

NN1

Tối đa 3 năm

9

Người nước ngoài đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;

NN2

Tối đa 3 năm

10

Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng;

ĐT3

Tối đa 3 năm

11

Người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.

TT

Tối đa 3 năm

12

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác;

LĐ1

Tối đa 2 năm

13

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động;

LĐ2

Tối đa 2 năm

14

Phóng viên, báo chí người nước ngoài thường trú tại Việt Nam;

PV1

Tối đa 2 năm

Vì sao phải đăng ký tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam

Như đã nói ở trên, việc đăng ký tạm trú là thủ tục bắt buộc cần có, cũng là trách nhiệm của người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp cơ quan thẩm quyền nắm được tình hình lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu có vi phạm quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài, chủ cơ sở lưu trú sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đó là khi mà cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đăng ký tạm trú cho người nước ngoài.

Lúc này, họ phát hiện ra cơ sở lưu trú không đăng ký tạm trú cho người nước ngoài. Mức xử phạt được quy định tại Điều 8 và Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 100.000 – 300.000 VND: chủ cơ sở lưu trú không đăng ký tạm trú tạm vắng cho người nước ngoài. 

Phạt từ 2 – 4 triệu VND: hành vi không đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà để ở. 

Phạt từ 500.000 – 2 triệu VND: nếu cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú cho người nước ngoài, không hướng dẫn họ khai báo tạm trú theo quy định… 

Phạt người nước ngoài từ 500.000 – 2 triệu VND: khi không khai báo tạm trú theo quy định từ 15 ngày trở xuống. 

Phạt người nước ngoài từ 3 – 5 triệu VND: khi không khai báo tạm trú theo quy định từ 16 ngày trở lên

Việc đăng ký tạm trú là một trong những điều kiện bắt buộc để người nước ngoài gia hạn visa và làm thẻ tạm trú tại Việt Nam.

thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

Quy định về vấn đề thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

Điều 33 Luật xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam năm 2014 quy định về đăng ký tạm trú cho người nước ngoài như sau:

Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú: phải khai báo tạm trú theo quy định.

Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý của cơ sở lưu trú.

Khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài.

Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài.

Phải chuyển đến Công an xã, phường nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài online

Bước 1: Truy cập vào website của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú:

Trong đó “tentinh” là tên của tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở lưu trú như: hanoi, hochiminh, danang, hungyen, namdinh, haiduong,…

Chọn mục “Dịch vụ trực tuyến” và chọn “Khai báo tạm trú cho người nước ngoài”.

Bước 2: Sau khi vào địa chỉ trên, có thể bấm vào tải xuống để xem hướng dẫn cụ thể hoặc bấm vào đăng ký để tiến hành tạo tài khoản khai báo tạm trú cho người nước ngoài ngay lập tức.

Bước 3:  Điền đầy đủ thông tin trong phần thông tin cơ sở lưu trú nơi có người nước ngoài lưu trú.

Tại mục Loại sơ sở lưu trú có chia làm 5:

Chung cư, cơ sở y tế, ký túc xá;

Khu công nghiệp, chế xuất;

Khách sạn, nhà trọ;

Nhà dân kinh doanh (Hộ kinh doanh);

Nhà dân không kinh doanh.

Tùy thuộc vào loại hình của cơ sở lưu trú để chọn chính xác.

Bước 4: Điền đầy đủ thông tin người đăng kí tài khoản, tài khoản này sẽ được sử dụng để quản lý cũng như khai báo tạm trú cho người nước ngoài đến Việt Nam.

Sau khi nhập đầy đủ thông tin người đăng ký tài khoản, ấn nút “Hoàn tất đăng ký” để hệ thống lưu lại thông tin đã nhập.

Bước 5: Hệ thống sẽ tự động chuyển bạn qua trang đăng nhập, điền tài khoản vừa đăng ký vào để vào đăng nhập.

Bước 6: Thực hiện nhập và kiểm tra các thông tin khai báo về người nước ngoài tại phần Quản lý khách.

Có 2 cách thêm là thêm mới và Import dữ liệu. Chọn thêm mới để thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài đơn giản hơn so với tải tệp tin từ máy tính lên.

Bước 7: Điền đầy đủ các thông tin theo mẫu. Để kiểm tra xem thông tin có chính xác về khách hay không bạn hãy nhớ ấn vào tìm theo số hộ chiếu và quốc tịch.

Bước 8: Ấn nút “Lưu thông tin” và kiểm tra thông tin hệ thống.

Nếu hệ thống xác nhận đã tiếp nhận thì hoàn thành; hệ thống chưa tiếp nhận thì thực hiện khai báo lại.

Thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài trực tiếp

Bước 1: Tiếp nhận thông tin- tiến hành khai báo.

Trong bước này, người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú sẽ tiếp nhận thông tin đăng ký tạm trú của người nước ngoài. Tiếp đó, tiến hành soạn mẫu khai báo. 

Mẫu phiếu đăng ký tạm trú cho người nước ngoài được ban hành kèm theo thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015.

Bước 2: Nộp phiếu đăng ký

Sau khi điền đầy đủ thông tin. Khách hàng đem nộp mẫu đăng ký thủ tục tạm trú cho người nước ngoài. Địa điểm nộp: cho trực ban Công an xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở lưu trú.

Bước 3: Nhận kết quả của thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

Lúc này, khách hàng sẽ nhận lại phiếu khai báo tạm trú. Phiếu này đã có xác nhận của trực ban Công an cấp xã sau khi đã xác nhận xong.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành đăng ký tạm trú tại Việt Nam, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin