Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư

Luật đầu tư năm 2020 quy định như thế nào về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau đây, mời bạn tham khảo bài viết về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty Luật Rong Ba để hiểu rõ hơn. 

Chấp thuận chủ trương đầu tư là gì?

Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14).

Qua đây, có thể nhận thấy, chấp thuận chủ trương đầu tư là chấp thuận sơ bộ về ý định, phương hướng triển khai dự án đầu tư với các nội dung gồm:

Mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án;

Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư;

Cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án.

Việc chấp thuận đó phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Tùy thuộc lĩnh vực, quy mô của dự án đầu tư mà mỗi loại dự án lại có cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư khác nhau.

Tại sao phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư?

Khi nhắc tới chấp thuận chủ trương đầu tư hẳn mọi người đều có chung thắc mắc là tại sao lại phải chấp thuận chủ trương đầu tư mà không cấp luôn Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án vì trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký đầu tư cũng phải xem xét các khía cạnh của dự án.

Trước tiên, cần khẳng định lại một lần nữa, không phải dự án nào cũng cần chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ một số loại dự án nhất định đã nêu ở phần trên của bài viết.

Sở dĩ phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án đó là để:

Đảm bảo cân bằng và phát triển kinh tế phù hợp với định hướng của đất nước;

Bản thân Nhà đầu tư, cơ quan chủ trì lập dự án cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tốn kém chi phí, thời gian, do đó, để tránh trường hợp sau khi khảo sát và nghiên cứu nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận sẽ gây lãng phí.

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định như thế nào?

thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư
thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư

Căn cứ theo quy định tại điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư như sau:

“Điều 29. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

1. Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:

a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

3. Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;

b) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

d) Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Trong chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, lần đầu tiên lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư được quy định thành một nguyên tắc đồng bộ thống nhất tại Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020.

Cách lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ?

Căn cư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Theo đó, hồ sơ này bao gồm:

Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có). Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ theo Điều 32 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ

Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 31 của Luật Đầu tư. Dự án đầu tư khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Đầu tư là các dự án mà pháp luật quy định phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư hoặc quyết định theo hình thức khác.

Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 4 Điều 31 của Nghị định này nộp 08 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 33 của Luật Đầu tư, các khoản 2 và 3 Điều 31 của Nghị định này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các bộ, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó theo quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 của Nghị định này.

Đối với dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục lấy ý kiến thực hiện như sau:

Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang các mục đích khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về sự phù hợp của dự án với quy hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ còn lại đến thời điểm đề xuất dự án; hiện trạng sử dụng đất (các loại đất, đối tượng sử dụng đất); dự kiến sơ bộ phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); việc tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp nhà đầu tư đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Trường hợp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được lập và thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh), đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 của Nghị định này trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên và có đề xuất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đề xuất giao một bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ gồm:

Nhà đầu tư thực hiện dự án (đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư) hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu);

Tên dự án; mục tiêu; quy mô (sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư bàn giao cho địa phương đối với dự án khu đô thị, nếu có); vốn đầu tư của dự án (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, nếu có), thời hạn hoạt động của dự án;

Địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư hoặc phân chia dự án thành phần (nếu có); tiến độ thực hiện từng giai đoạn (đối với dự án đầu tư có nhiều giai đoạn);

Công nghệ áp dụng (nếu có);

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có);

Các điều kiện khác để thực hiện dự án đầu tư (nếu có);

Trách nhiệm của nhà đầu tư, cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư;

Thời điểm có hiệu lực của Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án đầu tư để tổ chức đấu giá (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất), cơ quan tổ chức đấu thầu để thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu), cơ quan đăng ký đầu tư, các bộ, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 33 Nghị định 31/2021/NĐ-CP được thực hiện như sau:

Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 33 của Luật Đầu tư, các khoản 2 và 3 Điều 31 của Nghị định này cho cơ quan đăng ký đầu tư

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thực hiện dự án và các cơ quan có liên quan về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó theo quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 của Nghị định này

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư

Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định theo quy định tại khoản 6 hoặc khoản 8 Điều 31 Nghị định này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin