Di sản văn hóa là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của con người. Để hướng tới sự phát triển bền vững và nhân văn, chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc về di sản văn hóa và những giá trị mà nó mang lại, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của di sản văn hóa.

1. Di sản văn hóa là gì?

Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất  có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại (như các di tích, hiện vật, các loại hình văn học, nghệ thuật, các nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức và kỹ năng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công,…) còn tồn tại đến ngày nay, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng.

Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể.

1.1. Di sản văn hóa vật thể

Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa vật thể được dùng để chỉ các sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, gồm:

Di tích lịch sử – văn hóa

Danh lam thắng cảnh

Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1.2. Di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái hiện và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Các di sản văn hóa phi vật thể cụ thể như sau:

Tiếng nói, chữ viết

Ngữ văn dân gian

Nghệ thuật trình diễn dân gian

Tập quán xã hội và tín ngưỡng

Lễ hội truyền thống

Nghề thủ công truyền thống

Tri thức dân gian

2. Giá trị của di sản văn hóa

Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. 

Di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của thế hệ cha ông, tạo tiền để để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Bên cạnh đó, đây còn là nền tảng để chúng ta tiếp cận với những nền văn hóa trên toàn thế giới mà không bị mất đi bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. 

Di sản văn hóa tham gia và thể hiện sự đang dạng của văn hóa thế giới nói chung, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói riêng. Di sản văn hóa luôn có sự đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng cách biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm nên sức sống và sự giàu có cho văn hóa nhân loại.

Di sản văn hóa là động lực để phát triển ngành công nghiệp không khói (ngành du lịch)

Hệ thống di sản văn hóa trải khắp đất nước chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch. Di sản văn hóa đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam; kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Một trong những di sản nổi tiếng thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, đây là di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới bởi giá trị đặc biệt về địa chất – địa mạo, giá trị đa dạng sinh học, giá trị văn hóa – lịch sử,…. Không chỉ vậy, vịnh Hạ Long còn được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Với những điều kiện tự nhiên ưu đãi và những danh hiệu của mình, ngày nay, vịnh Hạ Long đã trở thành trung tâm du lịch thu hút lượng khách đông đảo hàng đầu tại nước ta.

Sức hấp dẫn của di sản văn hóa đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tính đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, trở thành tài sản chung của văn hóa nhân loại. Không chỉ vậy, nó còn có 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3.500 di tích quốc gia, 122 di tích quốc gia đặc biệt. 

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của di sản văn hóa

Di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, sử dụng di sản văn hóa như nguồn lực trong phát triển, tạo nên một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn và mang đậm bản sắc. Chính vì vậy, chúng ta cần một số giải pháp để phát huy giá trị của di sản văn hóa:

Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của di sản văn hóa. 

Giảm thiểu vấn đề thương mại hóa, sân khấu hóa di sản. Trong việc trình diễn di sản, cần cân nhắc kỹ lưỡng và cân đối hài hòa giữa nhu cầu thị trường và giá trị của di sản.

Xây dựng chiến lược truyền thông sâu rộng về di sản văn hóa và phát triển.

4. Pháp luật Việt Nam đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Di sản văn hóa được xem là kết tinh những giá trị vật chất, tinh thần được truyền từ đời này sang đời khác. Vì vậy việc bảo tồn các di sản là điều quan trọng và cần thiết. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống pháp luật qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh của đất nước.

Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc llập, dù còn bộn bề các công việc cấp bách cần giải quyết, nhưng với tầm nhìn minh triết, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trên toàn đất nước Việt Nam. Với ý nghĩa lịch sử to lớn này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, các nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, đồng thời khuyến khích mọi người tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 – điều chỉnh về cả di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.