Thành lập công ty luật

thành lập công ty luật

Nhiều sinh viên luật ấp ủ cho mình ước mơ làm chủ một công ty luật hay một VPLS riêng. Sau khi tốt nghiệp, các bạn nỗ lực hoàn thành tốt khóa học luật sư, trải qua thời gian tập sự và cả kỳ thi kiểm tra tập sự hành nghề để có được chứng chỉ hành nghề luật sư.

Tuy nhiên, liệu như thế đã đủ để thành lập công ty luật hay chưa; thủ tục thực hiện liệu có quá phức tạp hay không;…. Hiểu được khó khăn đó nên Rong Ba Group xin gửi đến bạn đọc bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo về vấn đề thành lập công ty luật nhé.

Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay

Thành lập công ty Luật, tức là thành lập một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp lý. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ về thực trạng thành lập doanh nghiệp hiện nay như thế nào để quyết định xem việc chọn thành lập công ty luật có phải là lựa chọn sáng suốt không nhé.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã thông báo có hơn 60.000 doanh nghiệp được thành lập mới trên cả nước, hơn 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau tạm ngừng, và hơn 7.000 doanh nghiệp giải thể.

Có thể thấy, một thực tế hiện nay là doanh nghiệp được thành lập ngày một nhiều và số lượng doanh nghiệp quay trở lại là tương đối đáng kể. Các doanh nghiệp được thành lập cũng không có sự phân bố đồng đều mà thành lập tập trung ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp như tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Việc các công ty được thành lập với số lượng lớn mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế nước nhà như :

Thúc đẩy GDP của cả nước

Tạo công ăn, việc làm cho lao động trong nước

Giúp thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào Việt Nam

Tạo đà cho kinh tế nước nhà phát triển như xuất nhập khẩu, dịch vụ, thương mại hàng hóa…

Thành lập công ty luật dựa trên những căn cứ pháp lý nào?

Luật Luật sư năm 2006;

Luật Luật sư năm 2012;

Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư;

Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Điều kiện để thành lập công ty luật như thế nào?

Theo quy định của pháp luật cụ thể ở Luật luật sư tại  Điều 15 Luật Luật sư 2012 sửa đổi bổ sung Luật Luật sư 2006 thì công ty luật là một tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

“3. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:

a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;

b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.

Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật này.”

Như vậy điều kiện thành lập công ty luật, trước hết cần đáp ứng những điều kiện chung về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư và cũng phải đáp ứng những điều kiện riêng về việc thành lập công ty luật. Theo đó, các điều kiện cần phải thỏa mãn khi muốn thành lập một công ty Luật bao gồm:

Thứ nhất, Công ty luật là công ty hoạt động trong lĩnh vực hành nghề luật sư. Để thành lập được công ty trước hết các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện như loại hình công ty, theo quy định của pháp công ty luật phải là công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đối với công ty luật hợp danh thì công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.

Đối chiếu theo quy định của luật thì công ty trách nhiệm hữu hạn có thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập.Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.

Thứ hai, Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty. Giám đốc và người khác giữ chức vụ quản lý trong công ty luật phải có chứng chỉ hành nghề luật sư.

Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Thứ ba, Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc. Cũng giống như các doanh nghiệp khác, khi luật sư thành lập công ty luật phải nêu rõ địa chỉ trụ sở công ty và đảm bảo địa chỉ đó có thực trên thực tế. Việc này nhằm tạo điều kiện tốt cho công ty và đảm bảo cho khách hàng tránh những vụ lừa đảo thường xảy ra nhằm hạ uy tín giữ các công ty.

Thứ tư, Tên của công ty Luật: Tên của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các thành viên thoả thuận lựa chọn, tên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật trách nhiệm hữu hạn”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hồ sơ thành lập công ty luật gồm những gì?

Căn cứ vào Điều 35 Luật Luật sư 2006 và Nghị định 123/2013/NĐ-CP thì bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ thành lập công ty luật bao gồm:

Thứ nhất, Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo mẫu thống nhất.Theo Điều 6 Nghị định 123/2013/NĐ-CP thì Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư gồm những nội dung chính sau đây:Tên văn phòng luật sư, công ty luật; địa chỉ trụ sở; Họ, tên, địa chỉ thường trú của luật sư Trưởng văn phòng luật sư hoặc luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh); Họ, tên, số và ngày cấp Thẻ luật sư của người đại diện theo pháp luật; lĩnh vực hành nghề.

Thứ hai, Điều lệ công ty luật , căn cứ theo Điều 7 Nghị định 123/2013/NĐ-CP  thì Điều lệ đối với công ty luật gồm những nội dung chính sau: Tên, địa chỉ trụ sở, loại hình công ty luật; lĩnh vực hành nghề, họ  tên, địa chỉ thường trú của luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh); Quyền và nghĩa vụ của luật sư chủ sở hữu hoặc các luật sư thành viên.

thành lập công ty luật
thành lập công ty luật

Điều kiện và thủ tục tham gia hoặc rút tên khỏi danh sách luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh); Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành; Thể thức thông qua quyết định, nghị quyết; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; Nguyên tắc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm của các luật sư thành viên đối với nghĩa vụ của công ty (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh); thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty luật.

Thứ ba, Bản sao chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ luật sư của trưởng văn phòng luật sư hoặc giám đốc công ty luật. Như đã phân tích ở phần điều kiện thành lập công ty luật thì giám đốc công ty luật  phải có chứng chỉ hành nghề luật sư. Do vậy trong hồ sơ thành lập công ty Luật gửi đến Sở Tư pháp yêu cầu phải có bản sao chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ luật sư của giám đốc công ty.

Thứ tư, Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư. Đối với trường hợp thuê, mượn trụ sở thì trong hợp đồng phải ghi cụ thể vị trí, diện tích và mục đích thuê, mượn; trường hợp sử dụng nhà riêng để làm trụ sở thì có văn bản xác định cụ thể vị trí, diện tích dùng làm trụ sở.

Thứ năm, Phiếu yêu cầu đặt tên.

Trình tự, thủ tục thành lập công ty luật

Cũng tương tự như việc thành lập các công ty khác, việc thành lập công ty luật cũng phải trải qua trình tự đúng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, ngoài ra còn phải tuân thủ về quy trình theo quy định của Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012.Theo quy định tại Điều 35 Luật Luật sư thì thủ tục thành lập công ty luật như sau:

Tổ chức hành nghề luật sư phải có hồ sơ đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp. Như vậy trường hợp của công ty công ty luật gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên hoặc nơi có trụ sở công ty nếu luật sư ở nhiều Đoàn luật sư khác nhau.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Tư pháp xem xét công ty luật có đủ điều kiện và nộp đủ hồ sơ giấy tờ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư.

Nếu từ chối việc cấp Giấy đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp phải có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho công ty luật và nêu rõ lý do, người bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư đặt trụ sở.

Bên cạnh đó, Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Đoàn luật sư mà mình là thành viên.

Cơ quan thực hiện: Tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

So sánh Văn phòng Luật với Công ty Luật

Rất nhiều người không hiểu rõ về sự khác nhau giữa Văn phòng Luật và thành lập công ty luật nên đã gây ra những hiểu lầm không đáng có. Việc nhầm lẫn như vậy cũng dễ hiểu bởi giữa hai loại hình này cũng có những nét tương đồng với nhau. Vì vậy, việc tìm hiểu các điểm giống nhau và khác nhau giữa hai loại hình này là rất cần thiết.

Điểm giống nhau

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật Luật sư về hình thức tổ chức hành nghề luật sư thì:

“Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

a) Văn phòng luật sư;

b) Công ty luật”.

Như vậy văn phòng luật sư và công ty luật đều là hình thức tổ chức hành nghề luật sư và có các quyền như nhau được quy định tại Điều 39 như: “Thực hiện dịch vụ pháp lý; Nhận thù lao từ khách hàng; Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư….”

Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư, bao gồm:

Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;

Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc: Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Điểm khác nhau

 

Văn phòng Luật sư

Công ty Luật

Loại hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân

Công ty Luật hợp danh

Công ty Luật TNHH

Số thành viên thành lập

Một Luật sư

Công ty Luật hợp danh: Ít nhất hai luật sư, không có thành viên góp vốn.

Công ty Luật TNHH: đối với công ty 1 thành viên thì do 1 luật sư thành lập; còn công ty TNHH 2 thành viên thì do 2 luật sư trở lên thành lập.

Đại diện theo pháp luật

Trưởng văn phòng đại diện

Công ty Luật hợp danh, công ty TNHH do công ty thỏa thuận

Công ty TNHH 1 thành viên là giám đốc công ty.

Tên theo quy định của Luật Doanh nghiệp

Do Luật sư lựa chọn.

Phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”.

Công ty Luật hợp danh và công ty Luật TNHH hai thành viên trở lên do các thành viên thỏa thuận lựa chọn.

Công ty Luật TNHH một thành viên do chủ sở hữu chọn.

Phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật TNHH”.

Trách nhiệm với nghĩa vụ của doanh nghiệp

Vô hạn

Công ty Luật hợp danh: chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bằng tài sản của công ty, nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ thì các thành viên hợp danh phải tiếp tục lấy tài sản của mình ra để thanh toán các khoản nợ của công ty.

Công ty Luật TNHH: thành viên công ty chịu trách nhiệm hữu hạn đối với phần vốn góp.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề thành lập công ty luật để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí nhé.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin