Thành lập công ty hợp danh

thành lập công ty hợp danh

Trên thế giới, mô hình hợp danh xuất hiện rất sớm và được ghi nhận lần đầu tiên trong Bộ luật Hammurabi của Babylon, khoảng 2.300 trước Công nguyên.

Còn ở Việt Nam, công ty hợp danh được thừa nhận khá muộn, chỉ đến khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 với những đấu tranh gay gắt, thành lập công ty hợp danh mới được ghi nhận với vẻn vẹn 4 điều luật.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 tiếp tục quy định mô hình công ty hợp danh với những quy định chi tiết hơn về thành viên công ty, tổ chức, quản lý, vốn và tài sản… của công ty.

Vậy quy định pháp luật hiện hành về thủ tục thành lập công ty hợp danh được quy định thế nào, quy định hiện hành còn bất cập nào khiến cho việc thành lập công ty hợp danh gặp khó khăn…. Hãy cùng Rong Ba Group tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé.

Công ty hợp danh là gì

Điều 172 Luật doanh nghiệp 2014 đã định nghĩa công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.

Theo định nghĩa trên thì khi thành lập công ty hợp danh bạn phải đảm bảo số lượng thành viên ít nhất 02 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty, ngoài ra có thể có thành viên góp vốn hoặc không có và không hạn chế về số lượng thành viên.

Quy định này trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 có điểm tích cực là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà kinh doanh khi tổ chức hoạt động theo mô hình công ty hợp danh vì họ có thể kết nạp hoặc không kết nạp thêm thành viên góp vốn mà không phải đăng ký thay đổi loại hình doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc quy định như vậy khiến công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam không giống công ty hợp danh của các nước khác trên thế giới vì công ty hợp danh các  nước chỉ có một loại thành viên là thành viên hợp danh có tư cách thương gia độc lập. Đồng thời quy định các nước cũng không quy định số lượng  thành viên hợp danh tối thiểu như luật Việt Nam.

Ví dụ, Bộ luật dân sự và thương mại Thái an quy định công ty hợp danh hữu hạn là công ty hợp danh mà ở đó một hay nhiều thành viên cùng chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với tất cả các nghĩa vụ của công ty; một hoặc một số thành viên có trách nhiệm được hạn chế trong số vốn mà họ cam kết góp vào công ty.

Đặc điểm của công ty hợp danh

Khi thành lập công ty hợp danh bạn cần phải hiểu rõ về các đặc điểm pháp lý để nhận diện so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Về thành viên công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân, được thành lập trên cơ sở sự tin cậy, tín nhiệm lẫn nhau giữa các thành viên. Với đặc trưng này, số lượng thành viên công ty hợp danh thường là rất ít.

Công ty hợp danh có hai loại thành viên: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

thành lập công ty hợp danh
thành lập công ty hợp danh

Thành viên hợp danh là các cá nhân thỏa thuận góp vốn với nhau, cùng chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới. Một công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên hợp danh.

Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ trong phạm vi vốn đã góp vào công ty.

Về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của các loại thành viên

Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về các nghĩa vụ của công ty. Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của công ty.

Trách nhiệm này không bị giới hạn đối với bất kỳ thành viên nào. Nếu họ có thỏa thuận khác, công ty sẽ chuyển thành công ty hợp vốn đơn giản.

Thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Về quyền quản lý, điều hành công ty hợp danh

Về cơ bản, các thành viên hợp danh có quyền thỏa thuận về việc quản lý, điều hành công ty. Trong quá trình hoạt động công ty, các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty.

Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hàng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó biết hết về hạn chế đó. Thành viên góp vốn không được tham gia vào việc điều hành công ty.

Về phát hành chứng khoán

Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Do đó, khả năng huy động vốn của công ty hợp danh là rất hạn chế.

Về tư cách pháp lý

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Công ty hợp danh có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của công ty và tài sản của các thành viên công ty. Các thành viên công ty phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang công ty và tài sản hình thành trong quá trình công ty hoạt động là tài sản của công ty.

Ưu nhược điểm khi thành lập công ty hợp danh

Ưu điểm của công ty hợp danh:

Công ty hợp danh yêu cầu phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu, cùng kinh doanh dưới một tên chung – thành viên hợp danh.

Bởi vậy, công ty hợp danh sẽ kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người, dễ dàng tạo được sự tin cậy với đối tác kinh doanh.

Đồng thời, việc quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người đã có mối liên hệ mật thiết với nhau trước đó.

Nhược điểm của công ty hợp danh:

Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao.

Cụ thể, trong trường hợp tài sản của công ty không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình.

Dù có tư cách pháp nhân nhưng công ty hợp danh không được phát hành cổ phiếu. Việc huy động vốn của công ty sẽ bị hạn chế, các thành viên chỉ có thể góp thêm tài sản của mình hoặc tiếp nhận thành viên mới.

Muốn thành lập công ty hợp danh cần phải đáp ứng những điều kiện nào

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2014, điều kiện để thành lập công ty hợp danh sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau đây

Điều 28. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;

c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Ngoài các điều kiện chung như trên thì khi thành lập công ty hợp danh, chủ thể thành lập còn phải thỏa mãn các điều kiện riêng đối với loại hình doanh nghiệp này.

Theo quy định trong Điều 130 Luật Doanh nghiệp những cá nhân khi tham gia thành công ty hợp danh phải đáp ứng được những điều kiện thành lập công ty hợp danh sau:

Phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới 1 tên chung (sau đây được gọi là thành viên hợp danh); ngoài những thành viên hợp danh có thể có những thành viên góp vốn;

Thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về những nghĩa vụ của công ty;

Thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã đóng góp vào công ty.

Ngoài ra những cá nhân tham gia thành lập Công ty hợp danh không thuộc một số trường hợp sau đây ( Tại khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp):

Cơ quan nhà nước và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân tại Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan và đơn vị mình;

Cán bộ, công chức theo quy định của luật pháp về cán bộ, công chức;

Sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong những cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân tại Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong những cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;

Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong những doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ một số người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

Người đang chấp hành hình phạt tù hay đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;

Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trình tự, thủ tục thành lập công ty hợp danh

Cũng giống như các loại hình doanh nghiệp khác, khi muốn thành lập công ty hợp danh thì bạn cũng phải tuân thủ thủ tục thành lập công ty hợp danh theo quy định pháp luật.

Bước 1. Chuẩn bị thông tin ban đầu của công ty hợp danh

Chọn người đại diện theo pháp luật công ty hợp danh

Người đại diện công ty có đủ năng lực, kinh nghiệm, cũng như trình độ để quyết định, giải quyết các công việc quan trọng của công ty, và người đại diện pháp luật cần tuân thủ các quy định về ngành nghề ví dụ: đấu giá, kiểm toán,..

Lựa chọn tên cho công ty hợp danh

Tên của công ty hợp danh cũng như quy định về các loại hình công ty khác. Cần đặt tên công ty không được trùng lặp, hoặc dễ nhầm lẫn,…phù hợp văn hóa, cấu trúc tên đầy đủ, có thể: tên tiếng anh, tên viết tắt…và đảm bảo những quy định chung về việc đặt tên.

Chuẩn bị trụ sở của công ty hợp danh

Các trụ sở công ty cần rõ ràng, đủ thông tin cần thiết và phải xác thực để dễ cho việc kinh doanh cũng như áp dụng nghĩa vụ thuế. Địa chỉ trụ sở của công ty hợp danh nhiều trường hợp không được đặt ở nhà chung cư, khu tập thể. Cũng như không dùng địa chỉ giả hay địa chỉ nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Vấn đề vốn điều lệ của công ty hợp danh

Công ty hợp danh của bạn sẽ kê khai vốn điều lệ theo khả năng, điều kiện hay số vốn cụ thể của công ty. Với những ngành nghề kinh doanh có yêu cầu về vốn pháp định, cần thực hiện đăng ký với mức vốn điều lệ tối thiểu ngang bằng với số vốn pháp định theo quy định.

Lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp, để có thể tiến hành thành lập công ty hợp danh.

Nếu như doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề yêu cầu điều kiện thì có thể đi vào kinh doanh ngay sau khi có giấy phép. Trường hợp yêu cầu điều kiện hay đòi hỏi chứng chỉ hành nghề bạn cần thực hiện cung cấp các chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật.

Bước 2. Chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ thành lập công ty hợp danh

Thành phần hồ sơ, bao gồm:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I-5 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT;

Điều lệ công ty (có họ, tên và chữ ký của các thành viên hợp danh);

Danh sách thành viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I-9 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT;

Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;

Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Giấy ủy quyền cho người khác thực hiện (nếu có).

Bước 3. Nộp hồ sơ

Cách thức thực hiện:

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc Người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trình tự thực hiện:

Trường hợp đăng ký trực tiếp:

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thanh toán lệ phí tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận.

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử hợp lệ được quy định tại Điều 36 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Khoản 3, Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP;

Người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký số vào hồ sơ đăng ký điện tử và thanh toán lệ phí qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người đại diện theo pháp luật sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử hợp lệ được quy định tại Điều 36 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Khoản 3, Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP;

Người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử của các giấy tờ chứng thực cá nhân tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh.

 Người đại diện theo pháp luật sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người thành lập doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

Bước 4. Nhận kết quả

Trường hợp đăng ký trực tiếp:

Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc.

Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc.

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng:

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục thành lập công ty hợp danh
Thủ tục thành lập công ty hợp danh

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh:

Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét, gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ. Khi hồ sơ đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tạo mã số doanh nghiệp.

Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi nhận được thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật nộp một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và Thông báo hồ sơ hợp lệ qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh.

Người đại diện theo pháp luật có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy và Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp qua đường bưu điện.

Sau khi nhận được hồ sơ bằng bản giấy, Phòng Đăng ký kinh doanh đối chiếu đầu mục hồ sơ với đầu mục hồ sơ doanh nghiệp đã gửi qua mạng điện tử và trao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nếu nội dung đối chiếu thống nhất.

Nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.

Người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm về tính đầy đủ và chính xác của bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử. Trường hợp bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy không chính xác so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử mà người nộp hồ sơ không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ bằng bản giấy thì được coi là giả mạo hồ sơ và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

Bước 5. Các thủ tục sau thành lập công ty hợp danh

Sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, công ty hợp danh cần cần thực hiện các công việc công bố công khai lên cổng thông tin doanh nghiệp, và khắc mẫu con dấu để việc kinh doanh đi vào hoạt động được dễ dàng đủ cơ sở pháp lý.

Ngoài ra cần lưu ý thêm các công việc:

Thực hiện việc nghĩa vụ thuế
Lệ phí môn bài:

Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì mức nộp lệ phí môn bài của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: Lệ phí môn bài là 02 triệu đồng/năm;

Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: Lệ phí môn bài là 03 triệu đồng/năm.

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp;

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm.

Doanh thu đến 20 tỷ đồng: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%;

Doanh thu từ trên 20 tỷ đồng: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%;

Thuế giá trị gia tăng

Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định: Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được tính theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Riêng doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động sẽ nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Phương pháp khấu trừ: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

Phương pháp trực tiếp: Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.

Trong đó, thuế suất thuế GTGT đối với các doanh nghiệp dao động ở các mức 0% – 5% – 10% (tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp).

Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế mà doanh nghiệp nộp thay cho người lao động. Thuế thu nhập cá nhân được tính theo tháng, kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm.

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả.

Các khoản giảm trừ bao gồm:

Giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.

Thuế xuất nhập khẩu

Thuế này áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu

Doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải chịu các loại thuế này.

Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 hai loại thuế này áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %; phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp.

Đối với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.

Trong đó, thuế suất được xác định theo từng mặt hàng chịu thuế, quy định tại Nghị định 12/2016/NĐ-CP.

Đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối: Số tiền thuế được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.

Đối với phương pháp tính thuế hỗn hợp: Số tiền thuế được xác định căn cứ là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế này áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008

Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt x Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thuế này áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có sử dụng hoặc kinh doanh nhà đất thì phải nộp thuế sử dụng đất theo quy định tại Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.

Thực hiện góp vốn theo cam kết (nếu có) trong thời hạn theo quy định,

Đăng ký tài khoản ngân hàng và mua chữ ký số,

Treo biển hiệu công ty, chức danh và phát hành hóa đơn,

Thuê kế toán, dịch vụ kế toán (nếu có).

So sánh thành lập công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên

Điểm tương đồng

Đều có tư cách pháp nhân

Đều có vốn điều lệ khi thành lập công ty.

Không có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn

Có thể đăng ký tăng vốn điều lệ và huy động vốn bằng cách vay ngân hàng.

Đều hoạt động theo những quy định chung của luật doanh nghiệp Việt Nam.

Sự khác nhau

Công ty TNHH 1 thành viên do 1 tổ chức, cá nhân làm chủ trong khi đó đối với công ty hợp danh có từ 2 chủ sở hữu trở lên và có cả các thành viên góp vốn.                                    

Chủ sở hữu công ty có trách nhiệm hữu hạn về tài sản của mình trong khi đó các chủ sở hữu là thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô thời hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản liên quan, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào

Vốn của công ty tnhh 1 thành viên do chủ sở hữu đóng góp. Còn đối với công ty hợp danh do các thành viên đóng góp với nhau và có thể không bằng nhau.

Vốn điều lệ : công ty tnhh 1 thành viên chỉ được tăng chứ không được giảm vốn điều lệ vì chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn, ngăn chặn trường hợp giảm vốn để giảm trả các khoản nợ. Trong khí đó công ty hợp danh có thể tăng, giảm vốn điều lệ một cách hợp lý vì chế độ chịu trách nhiệm vô hạn.

Chủ sở hữu công ty tnhh 1 thành viên có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ cho các công ty, tổ chức khác. Các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh không được phép chuyển một phần hoặc toàn bộ số vốn của mình cho các tổ chức, cá nhân khác trừ khi được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Thành viên hợp danh trong công ty hợp danh có thể rút vốn nếu được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại, chủ sở hữu công ty TNHH không thể trực tiếp rút vốn , chỉ có quyền chuyển nhượng vốn cho cá nhân tổ chức khác

Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Ngược lại tất cả các thành viên hợp danh đồng chủ sở hữu và đều có quyền đại diện trước pháp luật.

Công ty TNHH 1 thành viên có thể phát hành trái phiếu trong khi công ty hợp danh không được quyền phát hành vì dựa trên cơ sở pháp lý: khoản 3 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Từ sự so sánh công ty tnhh 1 thành viên và công ty hợp danh trên có thể nói rằng công ty hợp danh có sự đa dạng về thành viên và cách quản lý hơn so với công ty tnhh 1 thành viên.

Sự lựa chọn đúng loại hình công ty để thành lập và xây dựng mô hình kinh doanh giúp bạn tránh được những rắc rối trong việc hoạt động công ty. Và giảm thiểu được những khó khăn trong việc hoạt động và chuyển đổi mô hình kinh doanh cho mình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về các vấn đề thành lập công ty hợp danh để bạn đọc tham khảo, giúp quá trình thực hiện được thuận lợi và suôn sẻ nhất. Mọi thắc mắc xin liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết nhất nhé.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin