Thành lập công ty con

thành lập công ty con

Tổ hợp công ty mẹ – công ty con là kết cấu phổ biến của các tập đoàn kinh tế, là hình thức liên kết ngày càng được ưa chuộng trong nền kinh tế thế giới.

Nó được hình thành một cách tự nhiên, phản ánh nhu cầu và sự phát triển về mặt tổ chức của các đơn vị sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung hóa trên cơ sở tích tụ và cạnh tranh.

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, lý luận về công ty mẹ – công ty con đã được kinh tế học và khoa học pháp lý nhiều nước bàn tới.

Tuy nhiên, việc thành lập công ty con như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ. Vậy thì hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết này nhé!

Khái quát mô hình công ty mẹ – công ty con

Khi nhắc đến công ty con thì chúng ta sẽ nghĩ ngay tới công ty mẹ, tức là một mô hình công ty mẹ – công ty con.

“Công ty mẹ – công ty con” là khái niệm dùng để chỉ một tổ hợp các công ty có mối quan hệ với nhau về sở hữu, độc lập về mặt pháp lý và chịu sự kiểm soát chung của một công ty có vai trò trung tâm quyền lực, nắm giữ quyền chi phối các công ty còn lại trong tổ hợp.

Nói đến tổ hợp công ty mẹ – công ty con là nói đến cấu trúc bên trong liên kết các thành tố cấu thành thực thể ấy. Mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con là mối liên kết bên trong giữa chúng trong đó nhấn mạnh đến liên kết cứng, tức liên kết trên cơ sở chủ yếu là việc nắm giữ vốn giữa các công ty.

Thông qua đầu tư vốn dưới dạng quyền sở hữu cổ phần hay phần vốn góp của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền chi phối về mặt tổ chức cũng như hoạt động của các công ty khác trong tổ hợp.

Tuy nhiên, vốn đầu tư chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Những công ty dù có vốn đầu tư của công ty mẹ song không bị công ty mẹ không nắm quyền chi phối thì không phải là công ty con. Như vậy, để trở thành công ty mẹ của công ty khác thì phải có hai điều kiện đó là có vốn đầu tư vào công ty đó và nắm quyền chi phối công ty đó.

Trong kinh tế học, khái niệm về công ty mẹ – công ty con được diễn giải của chuẩn mực kế toán quốc tế IAS, “công ty mẹ” là một thực thể pháp lý có ít nhất một đơn vị trực thuộc là công ty con và “công ty con” là thực thể pháp lý bị kiểm soát bởi công ty mẹ.

Kiểm soát ở đây được hiểu là: (i) Việc sở hữu trực hoặc gián tiếp nhiều hơn 50% số phiếu bầu; hoặc (ii) sở hữu 50% số phiếu bầu hoặc ít hơn nhưng nắm quyền đối với hơn 50% số phiếu bầu theo sự thỏa thuận với các cổ đông khác; hoặc nắm quyền lãnh đạo, điều hành liên quan đến các chính sách tài chính hay sản xuất kinh doanh của công ty và được quy định tại Điều lệ, theo sự thỏa thuận hay hợp đồng; hoặc có quyền bổ nhiệm hay miễn nhiệm phần lớn các thành viên của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo; hay có quyền quyết định, định hướng đến phần lớn số phiếu bầu tại các cuộc họp Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo.

Đó là các khái niệm tổng quan về công ty mẹ – công ty con, vậy định nghĩa về chúng được pháp luật một số nước quy định cụ thể ra sao sẽ được đề cập dưới đây.

Pháp luật của nhiều nước đã đưa ra định nghĩa về công ty mẹ – công ty con. Theo Luật công ty của Anh năm 1985, công ty mẹ được hiểu là công ty nắm cổ phần khống chế (trên 50%) ở công ty khác.

Tuy nhiên, theo Tu chính năm 1989 để phù hợp với “Hướng dẫn chính thức lần thứ 7 về Luật công ty” của Cộng đồng châu Âu thì (A) là công ty mẹ của công ty con (B) khi: (i) A là cổ đông nắm giữ đa số phiếu bầu ở B; (ii) A là cổ đông và có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm phần lớn thành viên Hội đồng quản trị của B; (iii) A có quyền quyết định về chính sách tài chính và sản xuất kinh doanh của B bằng sự thỏa thuận chính thức, hợp đồng; (iv) A là cổ đông của B và có quyền kiểm soát phần lớn phiếu bầu một cách độc lập hay liên kết với các cổ đông khác; hoặc (v) A có quyền lợi tham gia điều hành và trên thực tế  thực hiện quyền chi phối đối với B hoặc A và B có cùng một cơ chế quản lý thống nhất.

Ở Nhật Bản, theo quy định của Luật Thương mại nước này thì khi một công ty nắm trên 50% cổ phần của công ty khác thì quan hệ công ty mẹ – công ty con được hình thành. Trong đó, công ty nắm cổ phần là công ty mẹ, công ty bị nắm cổ phần là công ty con. Mối liên hệ giữa công ty mẹ với công ty con là thông qua sở hữu cổ phần, sau khi quan hệ công ty mẹ – con được thiết lập, công ty mẹ trở thành cổ đông của công ty con.

Trong pháp luật Trung Quốc, định nghĩa của của nước này về công ty mẹ như sau: công ty mẹ là công ty nắm cổ phần chi phối (không nhất thiết phải trên 50%) ở các công ty con. Trong đó, công ty mẹ đóng vai trò là doanh nghiệp nòng cốt gắn bó với các công ty con thông qua việc nắm giữ cổ phần hoặc tỉ lệ vốn góp chi phối, tham gia góp vốn, liên kết kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp đều có tư cách pháp nhân và độc lập với nhau.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, tuy cách diễn giải ở mỗi nước và mỗi lĩnh vực về khái niệm trên có khác nhau nhưng từ các định nghĩa trên có thể tổng kết và đưa ra đặc trưng của tổ hợp công ty mẹ – công ty con như sau:

Tổ hợp công ty mẹ – công ty con là một loại hình liên kết các công ty có tư cách pháp lý độc lập, trong đó, có một công ty có vai trò trung tâm quyền lực (công ty mẹ) nắm giữ cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối trong một hoặc một số các công ty khác (công ty con), từ đó kiểm soát hoạt động của các công ty này;

Bản chất pháp lý của tổ hợp công ty mẹ – công ty con thể hiện ở mối quan hệ sở hữu vốn của công ty mẹ với công ty con. Việc nắm giữ này có thể là một phần hoặc toàn bộ vốn.

Thông thường, việc nắm giữa vốn giữa công ty này với công ty khác phải đủ để tạo nên sự chi phối mới hình thành quan hệ công ty mẹ – công ty con. Do đó, sự thay đổi mức sở hữu của công ty này đối với vốn Điều lệ của công ty khác dẫn tới sự thiết lập quan hệ mẹ – con hoặc chấm dứt quan hệ đó;

Công ty mẹ nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty con, công ty con tự nguyện chấp nhận sự chi phối, kiểm soát của công ty mẹ theo những nguyên tắc và phương thức nhất định.

Thông thường, việc kiểm soát, chi phối của công ty mẹ thể hiện ở việc tác động tới cơ cấu tổ chức hay các quyết định quan trọng tới hoạt động của công ty con.

Công ty mẹ – công ty con theo quy định pháp luật hiện hành

Muốn thành lập công ty con thì bạn phải hiểu rõ quy định pháp luật doanh nghiệp quy định như thế nào phải không nào. Theo quy định của pháp luật hiện hành, một công ty được hiểu là mẹ của công ty khác khi:

Công ty chiếm trên 50% vốn điều lệ nếu là công ty TNHH và sở hữu trên 50% tổng số cổ phần phổ thông của công ty nếu đó là công ty cổ phần;

Có đủ quyền hạn để bổ nhiệm các chức danh cấp cao như: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty;

Có đủ quyền hạn ra quyết định về việc sửa đổi và bổ sung các Điều lệ của công ty;

Qua nội dung nêu trên, khách hàng có thể hiểu rằng công ty con là công ty mà được công ty khác góp vốn trên 50% số vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, một công ty mẹ có thể có nhiều công ty con nhưng một công ty con chỉ có thể có một công ty mẹ.

Bên cạnh nội dung nêu trên, quan hệ công ty mẹ – công ty con còn có 1 số đặc điểm sau:

Thứ nhất: Công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có sản nghiệp riêng (pháp nhân kinh tế đầy đủ);

Thứ hai: Công ty mẹ có lợi ích kinh tế nhất định liên quan đến hoạt động của công ty con;

Thứ ba: Công ty mẹ chi phối đối với các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty con thông qua một số hình thức như quyền bỏ phiếu chi phối đối với các quyết định của công ty con, quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm HĐQT, ban lãnh đạo hoặc quyền tham gia quản lý, điều hành;

Thứ tư: Vị trí công ty mẹ và công ty con chỉ trong mối quan hệ giữa hai công ty với nhau và mang tính tương đối. Tức công ty con này có thể là công ty mẹ của một công ty khác (tính tương đối này càng nổi bật hơn trong trường hợp các công ty trong một nhóm có nắm giữ vốn cổ phần qua lại của nhau, thí dụ như theo mô hình của các tập đoàn của Nhật);

Thứ năm: Trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con nói chung là trách nhiệm hữu hạn;

Thứ sáu:  Về mặt lý thuyết, mô hình quan hệ này sẽ tạo cho cơ cấu tổ chức của các công ty trong nhóm có chiều sâu không hạn chế; tức công ty mẹ, con công ty con, công ty cháu…

Việc chuyển sang mô hình mẹ – con là hệ quả tất yếu, bởi thực tế đang đặt ra vấn đề chuyển đổi cổ phần hóa các liên doanh, quá trình góp vốn với các doanh nghiệp khác.

Do quá trình tự do hóa kinh doanh, một công ty góp vốn ra bên ngoài tất yếu dẫn đến một doanh nghiệp phải nắm cổ phần của đơn vị khác.

Chuyển sang mô hình mẹ – con, doanh nghiệp sẽ có những chủ động hơn trong hoạt động. Chẳng hạn, cơ chế cấp phát, giao nhận sẽ chuyển sang đầu tư trên cơ sở hợp đồng kinh tế; chuyển hoạt động chi phối từ mệnh lệnh hành chính sang sở hữu vốn, công nghệ, thị trường…

thành lập công ty con
thành lập công ty con

Tại sao cần thành lập công ty con?

Việc thành lập công ty con đem lại rất nhiều lợi ích, cụ thể:

Đối với những công ty bên đa ngành nghề, thì việc hoạt động kinh doanh quá nhiều ngành nghề trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến rất khó quản lý lợi nhuận, thu chi trong từng lĩnh vực.

Như vậy khi thành lập những công ty con, sẽ tạo nên những cá thể độc lập trong mỗi lĩnh vực, cộng với sự đầu tư tài chính cũng như máy móc, công nghệ từ công ty mẹ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty con có thể phát triển chuyên môn về một lĩnh vực hoạt động nhất định.

Trường hợp đặc biệt còn có rất nhiều công ty thành lập ra nhiều công ty con với lĩnh vực ngành nghề giống nhau, việc lập ra những công ty con như vậy, cũng như đang tạo một sự cạnh tranh nội bộ để cùng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh doanh, sản xuất cho tổng công ty, cũng như tất cả công con.

Quyền hạn, trách nhiệm của công ty con

Quyền hạn trách nhiệm của công ty con bao gồm một số quyền hạn trách nhiệm sau đây:

Quyền hạn trách nhiệm chung

Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của công ty mẹ về chiến lược kinh doanh, quản lý tài chính. Công ty con có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những thỏa thuận trong điều lệ, nội quy, quy chế của nhóm công ty. Công ty con có trách nhiệm thực hiện các hợp đồng kinh tế do công ty mẹ giao, phối hợp tổ chức các hoạt động kinh doanh cùng với công ty mẹ và các công ty khác trong tập đoàn.

Công ty con do công ty mẹ giữ cổ phần , vốn góp chi phối hoạt động độc lập hơn so với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận kinh doanh với công ty mẹ.

Một số quy định về góp vốn đối khi thành lập công ty con

Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.

Điều kiện thành lập công ty con

Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp trừ các trường hợp quy định tại điều 18 Luật Doanh nghiệp: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…

Muốn thành lập công ty con thì công ty mẹ phải đáp ứng những điều kiện sau (Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014):

“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.”

Vậy điều kiện để thành lập công ty con là:

Phải có một pháp nhân đã được đăng ký (doanh nghiệp)

Phải nắm giữ số vốn góp/cổ phần chi phối tại công ty con

Có đầy đủ hồ sơ tương ứng với từng loại hình công ty theo quy định.

Hồ sơ thành lập công ty con gồm những gì

Việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cũng là một bước rất quan trọng trong thủ tục thành lập công ty con, chính vì vậy, bạn cần hiểu rõ về các giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị để đảm bảo hồ sơ được hoàn chỉnh nhất. Hồ sơ bao gồm

Giấy đề nghị đăng ký Thành lập công ty con.

Quyết định Thành lập công ty con của công ty mẹ;

Biên bản Thành lập công ty con của công ty mẹ;

Thông báo thành lập công ty con của công ty mẹ;

Dự thảo Điều lệ công ty.

Danh sách các thành viên, bản sao thẻ căn cước công dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của mỗi thành viên công ty.

Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.

Chứng chỉ hành nghề của thành viên công ty và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Trình tự, thủ tục thành lập công ty con

Hồ sơ thành lập công ty con sẽ được nộp tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi Công ty con đăng ký trụ sở chính.

Thời gian đăng ký từ khi nộp hồ sơ (được chấp nhận hợp lệ) sẽ là 3 -5 ngày làm việc cơ quan đăng ký sẽ cấp chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho công ty con.

So sánh thành lập công ty con và thành lập chi nhánh, công ty liên kết

So sánh công ty con và chi nhánh

Rất nhiều người thắc mắc về vấn đề nên thành lập công ty con hay là thành lập chi nhánh; liệu thủ tục thành lập công ty con có đơn giản hơn thành lập chi nhánh hay  không; rốt cuộc chúng khác nhau ở chỗ nào. Để giải đáp những khúc mắc này, chúng tôi sẽ phân tích ưu nhược điểm của từng loại hình thông qua bảng dưới đây.

Hình thức thành lập

Thành lập chi nhánh

Thành lập công ty con

Hình thức Hoạt động

Đăng ký hoạt động chi nhánh

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Vốn điều lệ

Chủ sở hữu chịu trách nhiệm toàn bộ

Chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp vào công ty

Hạch toán kế toán và thuế

Là đơn vị kế toán cấp cơ sở, công ty là đơn vị kế toán cấp trên, báo cáo tài chính phải hợp nhất với báo cáo tài chính của công ty

Là đơn vị kế toán độc lập, báo cáo tài chính không bắt buộc phải hợp nhất trong báo cáo tài chính của công ty mẹ (chỉ phải hợp nhất theo yêu cầu quản trị nội bộ)

Tiêu chí nộp thuế

Có thể chuyển lợi nhuận trước thuế về công ty để nộp thuế TNDN

Không được chuyển lợi nhuận trước thuế về công ty mẹ, phải nộp thuế TNDN tại trụ sở công ty

Tài khoản kế toán sử dụng khi công ty chuyển vốn

Vốn giao cho chi nhánh là giao vốn cho đơn vị trực thuộc

Vốn góp cho công ty là một khoản đầu tư tài chính

Về mã số đối tượng nộp thuế

Theo mã số đối tượng nộp thuế của công ty

Được cấp một mã số độc lập

So sánh thành lập công ty con với công ty liên kết

Công ty liên kết là công ty trong đó nhà đầu tư “có ảnh hưởng đáng kể” nhưng không phải là công ty con hoặc công ty liên doanh. Công ty liên kết hoạt động dưới hình thức góp vốn giữa các công ty và doanh nghiệp để hình thành hoạt động của doanh nghiệp này.

Công ty liên kết phải thực hiện các công tác kế toán riêng theo quy định của pháp luật hiện hành về kế toán như việc kiểm soát tài khoản, các khoản nợ, doanh thu và các thu nhập khác của doanh nghiệp được hưởng trong hợp đồng cả công việc liên kết này.

Ảnh hưởng đáng kể: là quyền tham gia của nhà đầu tư vào việc đưa ra các quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của bên nhận đầu tư nhưng không kiểm soát các chính sách đó

Công ty con là một doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của công ty mẹ. Được công ty mẹ đứng ra thành lập và cung cấp vốn để có thể hoạt động.

Thành lập công ty trong trường hợp cụ thể

Công ty nước ngoài thành lập công ty con tại Việt Nam

Công ty nước ngoài thành lập công ty con ở Việt Nam thì dù công ty chiếm 1% hay đến 100% vốn của công ty tại Việt Nam cũng phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

Văn bản đề nghị thực hiện dự án;

Đề xuất dự án đầu tư;

Thuyết minh năng lực tài chính kèm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tiền đầu tư theo vốn điều lệ kê khai hoặc báo cáo tài chính của công ty nước ngoài (có lãi tương ứng với vốn điều lệ góp tại của công ty Việt Nam)

Giải trình đáp ứng điều kiện;

Quyết định thành lập;

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhà

Bản sao đăng ký kinh doanh công ty nước ngoài;

Điều lệ công ty nước ngoài;

Hộ chiếu đại diện của nhà đầu tư;

Giới giới thiệu nộp hồ sơ

Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì như công ty trong nước.

Thành lập công ty con để thực hiện dự án

Việc thành lập công ty con, sẽ giúp công ty mẹ quản lý và hoạt động tốt hơn, cũng như hạn chế rủi ro và tránh ảnh hưởng đến các dự án khác.

Việc này nhằm rất nhiều mục đích như duy trì chế độ sổ sách và chi phí riêng biệt; hạn chế trách nhiệm nếu phá sản; thuận lợi khi chuyển nhượng dự án và dễ dàng khi đăng ký đầu tư xây dự án mới. Cụ thể:

Tách riêng thành các pháp nhân riêng biệt (công ty thực hiện dự án) nhằm duy trì chế độ sổ sách và chi phí riêng biệt:

Các Công ty thực hiện dự án sau khi được thành lập là các pháp nhân độc lập, có cơ cấu tổ chức, có tài sản riêng, và tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, các công ty này được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, do đó, các công ty này sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư cũng như các quy định về thuế TNDN, thuế GTGT, và phải tuân thủ các quy định về kế toán, sổ sách,…

Do đó, các công ty lớn thường thành lập các Công ty con để thực hiện dự án nhằm tách biệt nguồn vốn, chi phí, tài sản và sổ sách.

Tách riêng phạm vi trách nhiệm của từng pháp nhân. Nếu có một pháp nhân phá sản, sẽ không ảnh hưởng đến các pháp nhân khác:

Như trình bày ở trên, các công ty thực hiện dự án này là các pháp nhân độc lập, thường được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, theo pháp luật doanh nghiệp, các công ty mẹ này chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp hay cổ phần mà mình sở hữu.

Do đó, trong trường hợp các công ty thực hiện dự án này phá sản, sẽ tự chịu trách nhiệm với các chủ nợ trong phạm vi tài sản và vốn của mình.

Do đó, trong trường hợp một pháp nhân phá sản, sẽ không ảnh hưởng đến các pháp nhân khác, hay nói cách khác, khi một dự án không thể thực hiện, các dự án khác hay công ty mẹ sẽ không bị ảnh hưởng hay liên đới chịu trách nhiệm với Công ty thực hiện dự án.

Thuận lợi về mặt thủ tục trong việc chuyển nhượng dự án cho một bên thứ ba:

Nếu thực hiện chuyển nhượng dự án theo hình thức chuyển nhượng vốn của công ty thực hiện dự án (bán công ty con) sẽ có những điểm thuận lợi hơn.

Thứ nhất, về mặt pháp lý, tiết kiệm về mặt thời gian thực hiện chuyển nhượng, hồ sơ thủ tục, giảm thiểu rủi ro đối với các tranh chấp về các nghĩa vụ đối với các bên thứ ba (người mua nhà, các nhà cung cấp, chủ nợ).

Thứ hai, việc chuyển nhượng dự án đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn cũng sẽ có những thuận lợi về mặt hạch toán, kế toán, thuế của công ty mẹ.

Thủ tục thực hiện từng dự án sẽ không bị ảnh hưởng:

Mỗi công ty thực hiện dự án sẽ là chủ đầu tư thực hiện dự án Kinh doanh bất động sản, khi muốn chuyển nhượng cho một bên thứ ba, chủ đầu tư sẽ chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần của mình cho nhà đầu tư mới, việc chuyển nhượng như trên sẽ đơn giản và tránh thay đổi cơ cấu của công ty mẹ.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng một dự án hay một dự án bị dừng hoạt động cũng sẽ không ảnh hưởng đến các dự án còn lại.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về việc thành lập công ty con cũng như thủ tục thành lập công ty con. Nếu bạn có thắc mắc đừng ngại liên hệ với Rong Ba Group để được tư vấn miễn phí nhé.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin