Quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích

Bất cứ một vụ án hình sự nào xảy ra đều phải trải qua quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để giải quyết trọn vẹn vụ án đó. Đối với những vụ án hình sự về tội danh cố ý gây thương tích cũng tương tự như vậy. Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu về quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích qua việc tư vấn tình huống dưới đây.

Tư vấn quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích?

Tình huống thực tế: Kính chào Luật sư, em có một số thắc mắc không biết được các văn bản pháp luật đang được áp dụng đối với một vụ án hình sự xin được tư vấn các luật sư: Hiện tại nhà em đang tố cáo đến Công an quận về vụ án cố ý gây thương tích của đối tượng đã chém vào người nhà em tổng cộng 3 người (trong đó có 2 người già).

Sau khi CQĐT xác minh sự việc và cho người nhà em đi giám định tỷ lệ thương tích theo đơn yêu cầu. Em không hiểu sao trong 3 đơn yêu cầu khởi tố và xin giám định đó thì có một người già 82 tuổi, phía CQĐT lại không cho đi giám định và nói không cần thiết chỉ cho người nào nặng đi giám định thôi, vậy có đúng không?

Sau khi có kết luận tỷ lệ thương tích xác định cho 2 người là 8% và 12% rồi sao CQĐT vẫn không tiến hành bắt tạm giam đối tượng đã gây thương tích cho nhà em? Trong thời gian này thì nhà em còn phải đợi thêm thời gian là bao lâu nữa thì vụ an mới được kết thúc? Sao em không được thông báo vụ án đang thụ lý đến giai đoạn nào?

Vì sao phía CQĐT không kê biên tài sản của đối tượng để có thể đảm bảo các khoản bồi thường cho nhà em? Cách tính về thiệt hại tổn thất về tinh thần cho người già được tính như thế nào thì hợp lý?

Trả lời:

  1. Theo quy định của pháp luật. Luật Giám định Tư pháp 2012đã được Quốc hội khóa XIII đã thông qua, có hiệu lực từ 01/01/2013. Luật quy định:

“Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Người yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Tại Điều 22 Luật Giám định Tư pháp 2012 quy định về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp:

“1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Người yêu cầu giám định có quyền:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”

Bạn có nói rằng trong 3 người đi giám định theo yêu cầu có một người già 82 tuổi phía CQĐT lại không cho đi giám định và nói không cần thiết chỉ cho người nào nặng đi giám định thôi? Điều này là không đúng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật giám định (đã được viện dẫn ở trên) thì để có thể tự mình yêu cầu giám định, trước hết, người bị hại trong trường hợp này có thể gửi đơn gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan Điều tra), người tiến hành tố tụng (Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án)trưng cầu giám định.

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Vậy, với trường hợp của bạn thì để được giám địnhh, trước tiên, người nhà của bạn cần làm đơn bằng văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu ( được thể hiện bằng văn bản ) thì người bị hại có quyền tự mình yêu cầu giám định.

  1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 119 thì tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn được áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án. Biện pháp này do do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo luật định tiến hành áp dụng.

Căn cứ Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, việc tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); phạm tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù); Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 07 năm tù), phạm tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù) mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích
quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích

Trường hợp của bạn, theo quy định của pháp luật thì CQĐT phải bắt tạm giam người gây thương tích nhưng hiện tại CQĐT vẫn không tiến hành bắt tạm giam đối tượng đã gây thương tích cho người thân của bạn, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để có thể xác minh được việc không bắt tạm giam là đúng hay sai vì chỉ có thuộc những trường hợp nêu trên cơ quan điều tra mới bắt tạm giam. Bạn và gia đình có thể làm đơn khiếu nại tới CQĐT để được trả lời rõ về vấn đề này và cũng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

  1. Một vụ án hình sự trải qua các giai đoạn sau: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tùy thuộc vào tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà thời hạn cho mỗi giai đoạn tố tụng là khác nhau.

Nhận định rằng vụ việc trên có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo Điều khoản này thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Thời hạn ở các giai đoạn tố tụng như sau:

Thời hạn điều tra kể từ khi khởi tố cho đến khi kết thúc điều tra là không quá 2 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Nếu phức tạp thì có thể gia hạn điều tra 1 lần không quá 2 tháng (khoản 1 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015);

Thời hạn quyết định truy tố: 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản án kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: truy tố vị ban trước Tòa án bằng bản cáo trạng… (khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Thời hạn chuẩn bị xét xử: 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết đinh: đưa vụ án ra xét xử, Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. (khoản 2 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

  1. Theo Điều 175 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015về việc Giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng thì khi người tham gia tố tụng có yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lý do.

Vì vậy, muốn biết vụ án đang ở trong giai đoạn nào, bạn và gia đình hãy liên hệ với Cơ quan điều tra để nhận được thông tin của vụ án.

  1. Sau khi kết thúc một vụ kiện (có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật), vụ việc chuyển qua giai đoạn thi hành án (thi hành bản án). Bên thắng kiện được gọi là “bên được thi hành án”, còn bên thua kiện gọi là “bên phải thi hành án”.

Về nguyên tắc, việc thi hành án là tự nguyện, hai bên thắng thua có thể tự mình thực hiện (thanh toán) với nhau. Tuy nhiên, thông thường thì ít khi nào bên phải thi hành án tự nguyện thi hành ( vì nếu đã “tự nguyện” thì cũng không cần phải kiện tụng làm gì).

Do vậy, nếu sau một khoảng thời gian “tương đối” – thông thường là khoảng 2 tháng kể từ ngày có bản án – mà bên phải thi hành án không thi hành thì bên được thi hành án nên có Đơn yêu cầu thi hành án, gửi tới cơ quan thi hành án địa phương – nơi bên phải thi hành án tọa lạc (cư trú) đề nhờ cơ quan này hỗ trợ – áp dụng các biện pháp hành chính từ nhẹ đến nặng (cưỡng chế) để “ép” bên thi hành án phải thực thi bản án.

Các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, cưỡng chế thi hành án … – được qui định tại Luật thi hành án dân sự. Theo đó, nên vụ việc đã ra đến cơ quan thi hành án mà bên phải thi hành án vẫn không thực hiện thì sẽ có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản để bán đấu giá – nhằm thực thi bản án. Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án. Trong thời gian kê biên, đối tượng bị áp dụng bị hạn chế quyền về tài sản.

Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với đối tượng là với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên không phải tất cả các tài sản của những người thuộc các đối tượng trên đều bị kê biên.

Vì vụ án trên mới ở giai đoạn khởi tố, CQĐT còn phải làm các công việc như điều tra, truy tố,..để đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, khi nào có bản án của Tòa án về việc người gây án phải bồi thường cho người thân của bạn mà người này không tự nguyện thi hành án sau một khoảng thời gian “tương đối” – thông thường là khoảng 2 tháng kể từ ngày có bản án – mà bên phải thi hành án không thi hành thì bên được thi hành án nên có Đơn yêu cầu thi hành án, gửi tới cơ quan thi hành án địa phương – nơi bên phải thi hành án tọa lạc (cư trú) đề nhờ cơ quan này hỗ trợ.

Sau 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Kê biên tài sản chính là một trong những biện pháp để cưỡng chế thi hành án.

Trên đây là một số khía cạnh liên quan đến quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu quy trình giải quyết vụ cố ý gây thương tích và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin