Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt

Khi thành lập công ty, các nhà đầu tư phải xác định được phạm vi, qui mô, ngành nghề kinh doanh để trên cơ sở đó xác định nguồn vốn góp cho doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc xác định mức vốn kinh doanh thì việc đưa nguồn vốn vào Việt Nam như nào cho đúng các qui định về quản lý ngoại hối của Việt Nam cũng là vấn đề nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Vậy nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt được không? Bài viết của Công ty Luật Rong Ba sau đây sẽ trình bày về nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt.

Căn cứ pháp lý

Luật doanh nghiệp năm 2020;

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16/ 6/2010;

Luật các tổ chức tín dụng ngày 16/6/2010;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20/11/2017;

Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13/12/2005;

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18/3/ 2013;

Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/ 2014;

Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019.

Nhà đầu tư nước ngoài là gì?

Căn cứ khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:

“19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

Hình thức đầu tư;

Phạm vi hoạt động đầu tư;

Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư

Điều kiện khác theo quy định theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài áp dụng trong các trường hợp:

Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế;

Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh;

Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác;

Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Điều kiện chung về ngành nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài

Đối với những ngành, phân ngành mà Việt Nam đã cam kết mà nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện về đầu tư của ngành nghề đó thì Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư;

Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về đầu tư nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Vốn của công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt
nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt

Đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong liên doanh được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc góp vốn của cá nhân nước ngoài vào công ty của bạn phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư: 

“Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

2. Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

3. Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:

a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;

b) Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

4. Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.”

Theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 19/2014/TT-NHNN:

Ngân hàng được phép bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật,

Tổ chức tín dụng được phép bao gồm ngân hàng được phép, tổ chức tín dụng phi ngân hàng được kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mở tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư này.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Thông tư số 05/2014/TT-NHNN:

Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy, ngay từ các định nghĩa trên, ta có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thực hiện chuyển vốn đầu tư bằng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam đều phải mở tài khoản tại ngân hàng được phép để thực hiện giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt được không?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN thì Nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Hoạt động đầu tư trực tiếp được xác định như sau:

Đầu tư thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

Đầu tư thành lập không thuộc trường hợp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:

Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

Đầu tư vào doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

Đầu tư thành lập Doanh nghiệp mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo qui định tại khoản 3, Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-NHNN thì “việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Vệt Nam phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.”

Như vậy, đối với các trường hợp đầu tư trực tiếp Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải thực hiện việc góp vốn thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài không thể góp vốn bằng tiền mặt khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc góp vốn vào công ty Việt Nam.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không tuân thủ quy định về hình thức góp vốn, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng theo điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức phải góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu không góp đủ vốn thì doanh nghiệp đó phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ.

Trường hợp công ty không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng (khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin