Nguồn vốn đầu tư công

Ngày nay, đầu tư công là hoạt động kinh tế trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện đại và phát triển. Song song với hoạt động này, không thể không nhắc đến nguồn vốn để thực hiện đầu tư công. Vậy vốn đầu tư công là gì? Nguồn vốn đầu tư công có vai trò như thế nào đến sự phát triển của đất nước. Sau đây, bài viết của Công ty Luật Rong Ba sẽ cung cấp đầy đủ và toàn diện về nguồn vốn đầu tư công giúp bạn có thể hiểu rõ hơn.

Vốn đầu tư công là gì?

Trước hết, để có thể hiểu được vốn đầu tư công là gì thì chúng ta cần phải hiểu về hoạt động đầu tư công là gì. Căn cứ khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định như sau: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác”. Trong đó:

Chương trình đầu tư công là tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.

Vốn đầu tư là tiền hay tài sản khác được sử dụng để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh. Như vậy, vốn đầu tư công chính là nguồn vốn của Nhà nước sử dụng để đầu tư vào các đối tượng đầu tư công trong hoạt động đầu tư công nêu trên. Những đối tượng này bao gồm: 

Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội;

Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;

Đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội;

Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch;

Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư;

Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đặc điểm của vốn đầu tư công

Dựa trên khái niệm vốn đầu tư công đã nêu trên cà các điều luật liên quan chúng ta có thể nhận thấy 2 đặc điểm nổi bật của loại vốn này như sau:

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

nguồn vốn đầu tư công
nguồn vốn đầu tư công

Vốn đầu tư công được sử dụng để đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Phân loại vốn đầu tư công

Vốn đầu tư công theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 bao gồm những nguồn vốn sau:

Thứ nhất, vốn ngân sách nhà nước

Đây là nguồn vốn sử dụng để đầu tư vào các hoạt động đầu tư công từ ngân sách trung ương hoặc địa phương để thực hiện xây dựng hạ tầng kinh tế – kỹ thuật. Đây là nguồn vốn không hoàn lại, không có khả năng thu hồi vốn hay thu hồi vốn chậm. Vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế nhà nước. Vốn ngân sách nhà nước gồm:

Vốn ngân sách trung ương là vốn chi cho đầu tư phát triển thuộc ngân sách trung ương.

Vốn ngân sách địa phương là vốn chi cho đầu tư phát triển thuộc ngân sách địa phương.

Vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương là vốn thuộc ngân sách trung ương bổ sung cho địa phương để đầu tư chương trình, dự án đầu tư công theo nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thứ hai, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư

Đây là nguồn vốn được lấy từ nguồn thu tại các cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng để đầu tư vào các đối tượng đầu tư công phù hợp. 

Nguồn vốn đầu tư công này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, do đó nguồn vốn này thường không thường xuyên và chủ yếu được phân bổ khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

So với Luật Đầu tư công năm 2014, đây là một thay đổi lớn, kéo theo thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư…).

Sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo

Nguyên tắc quản lý vốn đầu tư công

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 107/2018/TT-BTC thì việc quản lý vốn đầu tư công thực hiện theo các nguyên tắc sau:

Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công của các dự án đầu tư xây dựng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định cụ thể tại Thông tư này. Đối với những nội dung quản lý, thanh toán, quyết toán không được quy định tại Thông tư này được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Việc tạm ứng và thanh toán vốn cho các dự án đầu tư của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tại nước ngoài được căn cứ theo hợp đồng đã ký kết, phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ, ngành quản lý (sau đây gọi chung là Bộ quản lý) thay mặt chủ đầu tư giao dịch thanh toán vốn đầu tư với Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án theo đề nghị của Bộ quản lý.

Các hành vi bị cấm liên quan đến vốn đầu tư công

Việc sử dụng và quản lý cũng như phân bổ vốn đầu tư công có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định hiệu quả và tính minh bạch của hoạt động đầu tư công. Do đây là những hoạt động mang tính lợi ích chung và sử dụng vốn từ Nhà nước mà trong đó chính công dân là người góp công nên Luật đầu tư công đưa ra những hành vi bị cấm liên quan đến vấn đề này để hạn chế những hành vi vi phạm. Bao gồm:

Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.

Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.

Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.

Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Nguồn vốn đầu tư công có vai trò như thế nào trong việc phát triển của Việt Nam

Việc thúc đẩy kêu gọi nguồn vốn đầu tư công là động lực để chúng ta có thể phát triển được kinh tế – xã hội. Từ đó, nguồn tăng trưởng sẽ ngày càng được đẩy mạnh, cuộc sống của người dân cũng ngày một tăng lên. 

Nguồn vốn đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn bởi phần lớn đầu tư công đều là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhà nước đang tập trung cho việc đầu tư công để đảm bảo cuộc sống người dân và những người đang sinh sống tại Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam được phân chia theo từng ngành nhằm phục vụ cho những mục đích khác nhau. Nhưng vẫn luôn hướng đến mục đích chung đó là phát triển kinh tế, xã hội. Phục vụ cho cuộc sống của người dân được ổn định và có được một cuộc sống tốt hơn.

Vai trò của vốn đầu tư công trong nước là nguồn vốn cơ bản, quyết định đến mọi hoạt động đầu tư của các dự án trong nước. Trong quá trình hình thành và phát triển ở bất cứ nước nào việc tận dụng lực lượng nội bộ sẽ là chủ yếu. Sự chi viện bổ sung từ những doanh nghiệp bên ngoài chỉ là phương án tạm thời. Nên việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong nước sẽ có hiệu quả và nâng cao được vai trò vốn có của nó. Thực hiện được mục tiêu quan trọng mà nhà nước đã đề ra.

Sự tăng trưởng kinh tế được quan niệm đó là gia tăng về quy mô nền kinh tế trong thời kỳ nhất định. Vốn đầu tư công là điều kiện hàng đầu trong việc phát triển , tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đối với những quốc gia kém phát triển để có tốc độ phát triển mạnh mẽ và vượt bậc cần có số vốn lớn. Điều này khẳng định tầm quan trọng của vốn đầu tư công trong việc tăng trưởng, phát triển của mỗi đất nước, mỗi quốc gia và mỗi dân tộc.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về nguồn vốn đầu tư công. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về nguồn vốn đầu tư công và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin