Ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Khi đăng ký đầu tư các nhà đầu tư cũng cần lưu ý những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Có những trường hợp doanh nghiệp không nắm được những ngành nghề bị cấm nên khi hoạt động sẽ vướng phải những rắc rối của pháp luật. Dưới đây, Luật Rong Ba trình bày một số ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật, từ đó qua việc tìm hiểu để có cái nhìn chủ động cho công việc của mình. 

Cơ sở pháp lý

Luật Đầu tư năm 2020

Đầu tư kinh doanh là gì?

Theo Khoản 8, Điều 3 Luật đầu tư 2020: Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh

Các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh:

ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh
ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Căn cứ theo Điều 6 Luật đầu tư năm 2020 quy định như sau

“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Cấm kinh doanh các chất ma túy

Ma túy là những chất kích thích, gây nghiện, có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo khi con người sử dụng có thể làm thay đổi một hay nhiều chức năng tâm – sinh lý của cơ thể.

Sử dụng ma túy nhiều lần sẽ bị lệ thuộc cả về thể chất lẫn tâm lý, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như an toàn xã hội.

Phụ lục I Luật Đầu tư 2020 quy định rõ 47 loại chất ma túy bị cấm đầu tư kinh doanh, trong đó có: Acetorphine, Acetyl-alpha- methylfenany, Alphacetylmethadol, Alpha-methylfentanyl, Beta-hydroxyfentanyl, Brolamphetamine, Cần sa và các chế phẩm từ cần sa, Heroine, Methcathinone….

Cấm đầu tư kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật

Hóa chất là một dạng vật chất có hợp chất và đặc tính hóa học không đổi. Khoáng vật là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên được hình thành trong quá trình địa chất. Hóa chất và khoáng vật nếu không biết cách sử dụng hoặc quá lạm dụng thì cũng gây nguy hiểm cho con người.

Theo Phụ Lục II Luật Đầu tư 2020, các loại hợp chất và khoáng vật bị cấm đầu tư kinh doanh bao gồm 08 loại hóa chất độc như: Các chất khí gây bỏng chứa Lưu huỳnh, hơi cay Nitơ, Saxitoxin, Ricin; 4 loại tiền chất gồm các hợp chất Alkyl (Me, Et, n-Pr or i-Pr) phosphonyldifluoride, các hợp chất O-Alkyl, Chlorosarin, hlorosoma và Khoáng vật Amiang màu thuộc nhóm Amphibol…

Cấm kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên

Mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp.

Mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên được chia thành danh sách:

Loại thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: Lớp thông có họ Hoàng đàn, họ thông, họ mao lương, họ ngũ gia bì; lớp hành gồm họ lan; lớp ngọc lan gồm họ dầu, họ ngũ gia bì;

Ngành động vật bao gồm lớp thú, bộ thú ăn thịt, bọ có vòi, bộ móng guốc lẻ, bộ móng guốc chẵn, bộ tê tê, bộ thỏ rừng, lớp chim gồm bộ bồ nông, bộ cổ rắn, bộ hạc…

Loại thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm gồm: Lớp động vật có vú, lớp cá xương, lớp cá sụn, lớp hai mảnh vỏ, lớp chân bụng, lớp san hô…

Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 258 loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, căn cứ Phụ lục III. “Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.

Cấm kinh doanh mại dâm

Theo Bộ luật Hình sự, mại dâm là một nghề bị pháp luật cấm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có 9 hành vi mại dâm bị nghiêm cấm theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm gồm: mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm, các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật, căn cứ Điều 4 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003.

Do đó, đây là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh ở nước ta.

Cấm mua, bán người hoặc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người

Hành vi mua bán người hoặc bộ phận cơ thể người bị coi là tội phạm và xét xử hình sự với mức phạt tù từ 05 – 20 năm tùy mức độ và hành vi phạm tội, vì vậy đây cũng là một trong những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này được quy định cụ thể bao gồm:

10 nhóm trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, căn cứ Điều 11 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Luật đầu tư năm 2020 bổ sung thêm việc cấm mua bán “xác và bào thai người” so với Luật đầu tư năm 2014,

12 nhóm trong Luật phòng, chống mua bán người, căn cứ Điều 3 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật phòng, chống mua bán người năm 2011.

Cấm đầu tư kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên cơ thể con người

Đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, căn cứ điểm g Khoản 2 Điều 5 về “Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình”, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Đồng thời đây cũng là một trong những thực tiễn trái với nhân phẩm của con người căn cứ theo Điều 11 Tuyên bố toàn cầu về Gen người và các quyền của con người đã được Đại hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) nhất trí thông qua và tuyên bố tại phiên họp lần thứ 29 ngày 11/11/1997.

Dưới góc độ sinh học, sinh sản vô tính được hiểu là hình thức sinh sản mà thế hệ con được sinh ra từ một cơ thể mẹ duy nhất, thế hệ con sẽ là bản sao mang di truyền chính xác của cơ thể mẹ.

Nếu thực hiện sinh sản vô tính trên cơ thể người có rủi ro rất lớn, đồng thời khi phương pháp này được tiến hành tràn lan không kiểm soát được sẽ gây rối loạn trật tự xã hội vốn có, suy thoái đạo đức con người.

Cấm kinh doanh pháo nổ

Theo điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo… có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng.

Đồng thời, nếu sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kg trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tù về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo điểm a khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017.

Do đó, kinh doanh pháo nổ là một trong những ngành nghề cấm kinh doanh tại nước ta.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Trong quá trình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước đây, nhiều công ty đòi nợ thuê đã không tuân thủ các quy định của pháp luật. Nền kinh tế càng phát triển thì xã hội càng phát sinh thiếu vấn đề phức tạp, đòi hỏi chuyên môn hóa cao trong lao động. Đòi nợ là một nghề khó, một công việc phức tạp, đòi hỏi chuyển môn, kinh nghiệm, kỹ năng nghệ thuật, phương thứ nhất định mà người cho vay, cho nợ, bán chịu hàng hóa sành sỏi cũng không dễ gì có được.

Dịch vụ đòi nợ vốn là một trong những hoạt động rất cần thiết, thậm chí là sự tất yếu giúp cho việc thu hồi nợ trên thực tế, bảo vệ hữu hiệu quyền của chủ nợ và chủ sở hữu, đồng thời thúc đẩy các giao dịch dân sự liên quan đến việc vay, nợ.

Năm 2007, lần đầu tiên pháp luật quy định chính thức về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và quy định một số hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ như: “Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan”, căn cứ Điều 11 về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ”, căn cứ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Trước đó, pháp luật chưa có quy định, hoạt động đòi nợ thuê diễn ra một cách phổ biến. Từ năm 2015 trở đi, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được xác định là một trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, căn cứ Phụ lục IV “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019.

Năm 2020, luật đã cấm dịch vụ đòi nợ vì lý do dễ bị lợi dụng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, Luật đầu tư năm 2020. Đây là việc cấm rất thiếu thuyết phục, vì khác với những thứ gây nguy hại trực tiếp như ma túy, bản chất hoạt động đòi nợ thuê là vô hại, chỉ nên cấm việc đòi nợ thuê phạm pháp và xử lý những hành vi biến tướng, lạm dụng, gây nguy hại cho xã hội.

Như vậy, 8 ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh nêu trên đồng thời cũng bị cấm đầu tư ra nước ngoài, căn cứ Khoản 1 Điều 53 về “Ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài” của Luật đầu tư năm 2020.

Trong lĩnh vực ngoại thương, năm 2018, có 7 loại hàng hóa bị cấm xuất khẩu, 14 loại hàng hóa bị cấm nhập khẩu, (áp dụng cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới, hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ), căn cứ Phụ lục I. “Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu” ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương”

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin