Lý lịch tư pháp số 1 và 2

Có lẽ ai cũng từng nghe nhắc tới 02 loại Phiếu lý lịch tư pháp là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Vậy Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và 2 khác nhau như thế nào? Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Lý lịch tư pháp là gì?

Căn cứ theo Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định lý lịch tư pháp như sau:

– Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

– Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản lý lịch tư pháp dùng để chứng minh một người có bị phạm tội hay không hoặc có bị hạn chế quyền hạn do Tòa án quy định hay không.

Có mấy loại lý lịch tư pháp?

Căn cứ Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp 2009 có hai loại phiếu lý lịch tư pháp được quy định như sau:

* Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1

– Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

– Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

+ Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

+ Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

– Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.

* Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2

– Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

– Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;

+ Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.

– Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, dựa theo quy định pháp luật lý lịch tư pháp được chia làm 2 loại và được quy định cấp cho từng loại chủ thể khác nhau.

lý lịch tư pháp số 1 và 2
lý lịch tư pháp số 1 và 2

Phân biệt lý lịch tư pháp số 1 và 2

Căn cứ:

– Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH13.

Tiêu chí

Phiếu lý lịch tư pháp số 1

Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Đối tượng

Cấp theo yêu cầu của:

Công dân Việt Nam;

Người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam;

Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

Cấp theo yêu cầu của:

Cơ quan tiến hành tố tụng;

Cá nhân.

Mục đích

Phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử;

Để người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Nội dung

– Trong phần án tích phiếu chỉ ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa:

Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

– Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào phiếu khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.

– Trong phần án tích phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa:

Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.

– Ghi đầy đủ thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ủy quyền

Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1.

Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.

Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Cá nhân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 phải trực tiếp thực hiện thủ tục không được ủy quyền cho người khác.

Qua đây, có thể thấy, điểm khác biệt cơ bản nhất giữa Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và 2 là nội dung ghi trong 2 Phiếu lý lịch tư pháp này. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa còn Phiếu lý lịch tư pháp số 2 ghi đầy đủ tất cả các án tích không phân biệt đã được xóa hay chưa.

Làm lý lịch tư pháp số 1 và 2 cho người nước ngoài

Thành phần hồ sơ

Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu quy định

Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Trường hợp nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật).

Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền).

Lưu ý, Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền (trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1)

Ngoài ra, người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm phí phải xuất trình các giấy tờ để chứng minh.

Trình tự thực hiện

Nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp:

+ Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú.

Nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

200.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp thu thêm 5.000 đồng/Phiếu, để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

Lưu ý, Các trường hợp miễn phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp gồm: Trẻ em theo quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Người cao tuổi theo quy định tại Luật người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định tại Luật người khuyết tật; Người thuộc hộ nghèo; Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số khía cạnh liên quan đến lý lịch tư pháp số 1 và 2. Luật Rong Ba hy vọng bài viết trên đã có thể giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn phần nào về lý lịch tư pháp số 1 và 2. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tiến hành áp dụng những quy định của pháp luật để giải quyết công việc hoặc các tranh chấp phát sinh trong thực tiễn đời sống của mình, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin