Hàng thừa kế thế vị

tủ thờ hiện đại 15

Theo nguyên tắc chung, người thừa kế là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên pháp luật thừa kế nước ta còn quy định trường hợp khi con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu của người đó được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về hàng thừa kế vị.

Những vấn đề chung về hàng thừa kế thế vị

Theo nghĩa thông thường, “thừa” và “kế” đều có nghĩa là sự tiếp nối. Với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế, thừa kế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội về việc dịch chuyển di sản được tiến hành dựa trên quan hệ huyết thống hay phong tục tập quán riêng của bộ lạc, thị tộc. Nó được thể hiện ở sự dịch chuyển tài sản từ người chết sang người sống.

Thừa kế theo di chúc là sự chuyển tài sản của người đã chết cho những người còn sống theo ý chí của người có di sản.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào người để lại di sản chết cũng để lại di chúc hoặc di chúc do người này lập ra là hợp pháp.

Xuất phát từ lí do này, chế định thừa kế theo pháp luật được coi là “sự phỏng đoán” ý chí của người để lại di sản. “Sự phỏng đoán” này ở mỗi nước là khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm và phong tục tập quán.

Điều 652 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. 

Theo đó, khái niệm thừa kế thế vị được hiểu như sau: Thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ).

Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.

Theo nguyên tắc chung, người thừa kế là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, nhưng pháp luật thừa kế nước ta quy định trường hợp khi con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì quyền thừa kế thế vị của cháu vẫn được đảm bảo và nếu cháu cũng đã chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cũng tương tự, quyền thừa kế thế vị của chắt cũng sẽ không bị xâm phạm.

Quy định của điều luật này có sự khác biệt so với quy định về thừa kế thế vị tại Điều 680 BLDS 1995. Điều 680 BLDS 1995 chỉ quy định thừa kế thế vị trong trường hợp con hoặc cháu chết trước người để lại di sản mà không quy định đến trường hợp cháu hoặc chắt có được thừa kế thế vị hay không nếu cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết cùng vào một thời điểm với ông, bà nội, ngoại hoặc các cụ nội, ngoại.

Điều kiện hưởng hàng thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố hoặc mẹ đẻ nhận di sản thừa kế từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ đã chết hoặc chết cùng thời điểm với những người này.

Phần di sản mà người con được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế nói trên là phần di sản mà bố hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị gồm:

Một là, con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cháu được thừa kế thế vị); cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (chắt được thừa kế thế vị).

Như vậy, điều kiện đầu tiên làm phát sinh quan hệ thừa kế thế vị đó là phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại).

Hai là, những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.

Ba là, giữa họ phải có quan hệ huyết thống về trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ).

Bốn là, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Xuất phát từ lý luận người đã chết không thể có năng lực chủ thể để tham gia vào bất kỳ quan hệ pháp luật nào, do đó, pháp luật Việt Nam đã quy định người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì người đó phải là người đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và phải sinh ra còn sống sau thời điểm mở thừa kế.

Năm là, khi còn sống, người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nếu bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không thể thế vị).

Sáu là, bản thân người thế vị không bị tước quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015

Các trường hợp hàng thừa kế thế vị

Thứ nhất, cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông, bà.

Đây là trường hợp cha đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông nội thì khi ông nội chết, con sẽ thay thế vị trí của cha để thừa kế từ di sản mà ông nội để lại đối với phần di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống,

hàng thừa kế thế vị
hàng thừa kế thế vị

Nếu cha đẻ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với bà nội thì khi bà nội chết, con sẽ thay thế vị trí của cha để thừa kế từ di sản mà bà nội để lại đối với phần di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống.

Trường hợp mẹ đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông ngoại thì khi ông ngoại chết, con sẽ thay thế vị trí của mẹ để thừa kế từ di sản mà ông ngoại để lại đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống.

Nếu mẹ đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với bà ngoại thì khi ông ngoại chết, con sẽ thay thế vị trí của mẹ để thừa kế từ di sản mà bà ngoại để lại đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống.

Ví dụ: A và B kết hôn với nhau sinh được C và D. C kết hôn với E sinh ra G và H. C chết năm 2010, A chết năm 2017, A chết năm 2017 không để lại di chúc.

Những người thừa kế của A bao gồm B, C, D. Tuy nhiên, do C chết trước A nên các con của C là G và H sẽ thế vị nhận di sản này (con thay cha hưởng di sản của ông nội).

Giả sử sau đó B chết, những người thừa kế của B là C và D, thì G và H tiếp tục được thế vị C để hưởng di sản của B (con thay cha hưởng di sản của bà nội).

Ngoài ra, thừa kế thế vị còn được xét trên tổng thể về sự đan xen giữa huyết thống với nuôi dưỡng, giữa người để lại di sản với con cháu của người đó nên khi xác định cháu có được hưởng thế vị hay không, cần theo 3 căn cứ sau:

Một là, nếu giữa các đời đều có quan hệ huyết thống (A sinh ra B và B sinh ra C) thì đương nhiên cháu sẽ được thế vị trong mọi trường hợp nếu có đủ các điều kiện trên.

Hai là, nếu quan hệ giữa các đời đều là nuôi dưỡng (A nhận nuôi B và B nhận nuôi C) thì đương nhiên thế vị không được đặt ra trong mọi trường hợp.

Ba là, nếu có sự đan xen cả huyết thống lẫn nuôi dưỡng giữa các đời thì cần xác định theo các trường hợp sau: (1) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là nuôi dưỡng nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là huyết thống (A nhận nuôi B và B sinh ra C) thì được thừa kế thế vị.

Trường hợp này cũng được áp dụng đối với con riêng của vợ, của chồng, nếu con riêng với mẹ kế, bố dượng được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con; (2) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là nuôi dưỡng (A sinh ra B và B nhận nuôi C) thì không đương nhiên được thừa kế thế vị, chỉ được thế vị nếu được người để lại di sản coi như cháu ruột.

Thứ hai, chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ

Để dễ hình dung, tác giả xin vẽ một sơ đồ sau:

A………..B………C………..D

Trong đó, giữa các chữ được nối liền với nhau bằng nét gạch ngang giữa là chỉ mối quan hệ giữa cha, mẹ và con; (A và B, B và C, C và D); giữa các chữ cách nhau một chữ là chỉ mối quan hệ giữa ông, bà với cháu (A và C; B và D); Giữa các chữ cách nhau hai chữ là chỉ mối quan hệ giữa cụ với chắt (A và D).

Theo quy ước trên, chúng ta xác định chắt được thừa kế thế vị của cụ trong các trường hợp sau:

Một là, trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản là cụ (A), cha, mẹ (C) cũng đã chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết (C thế vị B để hưởng thừa kế di sản của A đối với phần di sản mà B được hưởng nếu còn sống và D lại thế vị C để hưởng di sản của A đối với phần di sản mà C được hưởng nếu còn sống).

Hai là, trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản (A) , cha, mẹ (C)  chết sau ông, bà nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản (A) thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Ba là, trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản (A), cha, mẹ (C) chết sau ông, bà nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Bốn là, trường hợp B không được hưởng di sản của A, nếu C chết trước A thì D cũng được thế vị C để hưởng thừa kế đối với di sản của A.

Năm là, trường hợp nếu có sự đan xen cả huyết thống lẫn nuôi dưỡng giữa các đời thì việc thừa kế thế vị của chắt được xét các trường hợp sau:

(1) Trường hợp con nuôi chết trước người để lại di sản là cha, mẹ nuôi, đồng thời con đẻ của người con nuôi cũng đã chết trước người để lại di sản (nhưng chết sau cha hoặc mẹ) thì cháu của người con nuôi đó (tức là chắt của người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà cha mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

(2) Trong các trường hợp nếu xét về tính đan xen giữa huyết thống và nuôi dưỡng mà thấy rằng con của một người không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người đó thì thừa kế thế vị không được đặt ra.

Ví dụ: quan hệ giữa A, B, C, trong đó B là con đẻ của    A, nhưng nếu C là con nuôi của B thì C không đương nhiên là cháu của A.

Theo logic trên thì con của con nuôi của một người không đương nhiên trở thành chắt của cha, mẹ người đó. Hoặc, quan hệ giữa A, B, C, D, trong đó B là  con của A nhưng C là con nuôi của B và D là con của C (kể cả con đẻ hoặc con nuôi) thì D không đương nhiên trở thành chắt của A.

Khi xác định thừa kế thế vị cần lưu ý các mối quan hệ:

(1) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ hai là nuôi dưỡng nhưng quan hệ giữa đời thứ hai và đời thứ ba lại là huyết thống (A nhận nuôi C, C sinh ra E) thì được thừa kế thế vị;

(2) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai và đời thứ ba lại là nuôi dưỡng (A sinh ra C, C nhận nuôi E) thì không đương nhiên được thừa kế thế vị (E không đương nhiên là cháu của A);

(3) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ tư đan xen về quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng thì không đặt ra thừa kế thế vị vì các mối quan hệ là không đương nhiên (A nhận nuôi C, C sinh ra E, E nhận nuôi H thì H không đương nhiên là chắt của A).

(4) Con riêng của bố dượng, mẹ kế được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì cũng được thừa kế thế vị.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về hàng thừa kế thế vị. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về hàng thừa kế thế vị và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin