Điều 383 BLHS năm 2015 quy định tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu

Căn cứ pháp lý

Điều 383 BLHS năm 2015 quy định tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu như sau:

“Điều 383. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu

1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sảnhoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 383 BLHS năm 2015 quy định tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
Điều 383 BLHS năm 2015 quy định tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 383 BLHS năm 2015

Khách thể của tội phạm

Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án bị kéo dài, bị sai lệch, thậm chí làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; gây thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho các đương sự,…

Đối tượng tác động của tội phạm này là những yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Những yêu cầu này có thể bằng miệng hoặc có thể bằng một quyết định. Xét về bản chất thì hành vi của người phạm tội phạm này là hành vi không chấp hành, nhưng nội dung của việc không chấp hành là yêu cầu khai báo, yêu cầu giám định, yêu cầu cung cấp.

Như vậy, khách thể của tội phạm là hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng.

Hành vi từ chối khai báo là hành vi có thể là im lặng (không hành động), nhưng cũng có thể bằng lời nói, bằng những biểu hiện khước từ việc khai báo về những tình tiết của vụ án. Tài liệu mà người có trách nhiệm phải cung cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm các giấy tờ, đồ vật liên quan đến việc xác định sự thật của vụ án.

Hành vi từ chối cung cấp tài liệu là hành vi của người có trách nhiệm trong các cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân đang lưu giữ tài liệu có liên quan đến việc chứng minh sự thật vụ án mà cố tình không giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay tình trạng từ chối cung cấp tài liệu đối với một số người có trách nhiệm trong các cơ quan tổ chức xảy ra khá phổ biến, họ lấy lý do đó là tài liệu mật hoặc theo quy định của ngành; mặt khác Nhà nước cũng chưa có quy định hoặc hướng dẫn việc cung cấp tài liệu cho các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện như thế nào, nên việc xác định hành vi từ chối cung cấp tài liệu có thuộc trường hợp là tội phạm hay không gặp nhiều khó khăn.

Đối với người giám định đã trốn tránh việc kết luận giám định như: cáo bệnh, lấy cớ đi công tác, đi nước ngoài hoặc tạo ra những nguyên cớ để không phải thực hiện việc giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Hậu quả của hành vi từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan của tội phạm xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là biết rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật nhằm cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, mong muốn cho hậu quả hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.

Hình phạt tại Điều 383 BLHS năm 2015

Điều 383 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

– Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 383 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin