Điều 300 Bộ luật hình sự quy định tội tài trợ khủng bố

Căn cứ pháp lý

Điều 300 Bộ luật hình sự quy định tội tài trợ khủng bố như sau:

“Điều 300. Tội tài trợ khủng bố

Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 300 Bộ luật hình sự

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là trật tự, an toàn công cộng; tính mạng, sức khỏe của người khác và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hiến pháp 2013 ghi nhận “Mọi người có quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm làm hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Hành tổ chức khủng bố được hướng dẫn bởi Khoản 5, 6 Điều 3 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và 300 của Bộ luật Hình sự.

“Huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Khoản 1 Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định, Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Theo đó, chuẩn bị phạm tội khủng bố được hiểu là tìm kiếm, móc nối nguồn tài trợ để có kinh phí thực hiện việc khủng bố. Nguồn tài trợ ở đây có thể là nguồn tài trợ ở trong nước hoặc nguồn tài trợ từ nước ngoài.

Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan quy định tại Khoản 1 Điều 300 Bộ luật Hình sự xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm hoặc là pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm.

Trường hợp chủ thể là cá nhân

Cá nhân phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội tài trợ khủng bố là từ đủ 16 tuổi trở lên.

Trường hợp chủ thể là pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2013, pháp nhân thương mại được hiểu như sau:

“Điều 75. Pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại là một quy định hoàn toàn mới, lần đầu được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, điều kiện chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự như sau:

“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”

Điều 300 Bộ luật hình sự quy định tội tài trợ khủng bố
Điều 300 Bộ luật hình sự quy định tội tài trợ khủng bố

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội tài trợ khủng bố được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện để hậu quả của nó xảy ra.

Hình phạt tại Điều 300 Bộ luật hình sự

Điều 300 Bộ luật Hình sự quy định 03 Khung hình phạt đối cá nhân phạm tội và 03 Khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

Hình phạt đối với người phạm tội

– Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

– Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

– Khung hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 300 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin