Điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự

Việc sau khi phạm tội mà người phạm tội trực tiếp và tự nguyện khai nhận toàn bộ hành vi của mình và những người khác một cách chính xác và không có sự che dấu nài thì hoàn toàn có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự. Hãy cùng Luật Rong Ba tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì?

Pháp luật Hình sự không đưa ra khái niệm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì, dưới góc độ học thuật thì tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hiểu là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của mỗi loại tội giảm đi so với trường hợp bình thường. Từ đó có thể hiểu tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết của vụ án hình sự liên quan đến việc giải quyết trách nhiệm hình sự phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội cũng như hoàn cảnh của họ.

Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự hoặc do Tòa án xác định có ý nghĩa làm cho mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội giảm xuống một cách đáng kể và trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giảm nhẹ.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ để Tòa án cân nhắc, xem xét việc áp dụng hình phạt theo hướng nhẹ hợp đối với người phạm tội và các tình tiết này ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt của Tòa án.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hạihoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luậtcủa nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.“

Quy định của pháp luật về điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự

Tội phạm bao giờ cùng là hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra hoặc đe dọa gây ra cho những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Nhưng căn cứ vào các hành vi của người phạm tội mà cơ quan có thẩm quyền xác định xem hành vi nào là tình tiết giảm nhẹ cho bị can, bị cáo, từ đó, đưa ra mức hình phạt tương xứng với từng cá nhân.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năm hối cải” được quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015.

Thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai khái niệm có nội dung hoàn toàn khác nhau.

Người phạm tội thành khẩn khai báo là không khai gian dối bất cứ một điều gì liên quan đến hành vi phạm tội của mình cũng như của người khác. Tình tiết này cũng là một dạng tự thú, nhưng ở mức độ thấp hơn. Tình tiết chỉ xảy ra khi người phạm tội đã bị phát hiện. Trong quá trình làm rõ các tình tiết của vụ án thì hành vi này giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng làm sáng tỏ các hành vi vi phạm nhằm kết thúc sớm vụ án, xử đúng người, đúng tội.

Theo quy định của BLHS thì người phạm tội khai báo không thành khẩn sẽ không thuộc các tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật này, bởi lẽ, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhưng khi người phạm tội thành khẩn khai báo thì pháp luật lại quy định đó là một tình tiết giảm nhẹ bởi vì quy định như vậy nhằm thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước cũng như giúp các cơ quan có thẩm quyền tố tụng phát hiện tội phạm sớm hơn.

điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự
điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào sự thành khẩn của người phạm tội ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của lời khai thành khẩn đó với việc xác định hành vi phạm tội của họ cũng như của các đồng phạm (nếu vụ án có đồng phạm).

Người phạm tội ăn năn hối cải, là trường hợp sau khi phạm tội, người phạm tội cảm thấy bị cắn rứt, giày vò lương tâm về những việc làm của mình; hối hận và muốn sửa chữa lỗi lầm. Người phạm tội ăn năn hối cải không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà bằng những hành động tích cực chấp hành pháp luật, gương mẫu trong mọi lĩnh vực của đời sống, hối hận với hành vi phạm tội của mình, có thái độ tích cực trong việc khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Khi xác định tình tiết này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng đang quản lý người phạm tội để xác nhận thái độ của họ sau khi phạm tội. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng trường hợp người phạm tội giả vờ ăn năn hối cái để được khoan hồng rồi tiếp tục phạm tội.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những thành tích mà người phạm tội đã đạt được, thành tích càng nhiều, lập công lớn thì mức đố giảm nhẹ càng nhiều.

Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự

Trong thực tiễn áp dụng những quy định này, chúng tôi thấy có một số điểm còn băn khoăn, vướng mắc xin được nêu để trao đổi.

Thứ nhất, nhiều trường hợp bị cáo đã khai hết toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội nhưng họ cho rằng hành vi của mình không phải là tội phạm, nhiều Thẩm phán căn cứ vào hành vi này nên không áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo”.

Chúng tôi cho rằng, họ đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi của mình, nhưng do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình trái với quy định của pháp luật nên mới không thừa nhận. Trường hợp này bị cáo hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo”.

Thứ hai, thành khẩn khai báo phải được hiểu là không khai gian dối điều gì có liên quan đến hành vi phạm tội. Có trường hợp tại phiên tòa, bị cáo không khai báo trung thực mà phải đấu tranh, dùng mọi biện pháp, nghiệp vụ đến lúc bị cáo thấy không thể chối cãi được mới nhận tội nhưng vẫn áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo” thì có phù hợp không?  Thực tế, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này cho bị can, bị cáo.

Hay người phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng, bị cáo không thể chối tội mà phải khai ra, thì có áp dụng tình tiết này không. Quan điểm của hầu hết Thẩm phán là vẫn áp dụng có lợi cho bị cáo và căn cứ vào mức độ thành khẩn đến đâu, thời điểm nào để áp dụng hình phạt cho tương xứng.

Thứ ba, theo quy định tại điểm s, khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 giữa hai tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” có dấu phẩy “,” ngăn cách thì đây được xem là một hay hai tình tiết giảm nhẹ? Khi người phạm tội đủ điều kiện thoả mãn một trong hai tình tiết này là “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải” thì có được áp dụng quy định này không? Hay phải thỏa mãn cả hai điều kiện này thì mới được áp dụng?

Phân biệt 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm t và điểm s khoản 1 điều 51 của bộ luật hình sự 2015

Phân biệt 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 và một số vướng mắc khác liên quan sẽ được Luật sư tư vấn cụ thể:

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong xét xử do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Nội dung

Theo Điều 51 BLHS 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

…”

Tại mục 3 phần I Công văn 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ trên như sau:

“3. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” có tương tự như tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” không?

Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” và tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập quy định tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới. Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.”

Như vậy, tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 là hai tình tiết độc lập. Trong đó, tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới. Còn tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự  và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin