Di sản thừa kế

Thừa kế là một vấn đề quan trọng được ghi nhận trong Bộ luật dân sự. Vậy di sản thừa kế được hiểu như thế nào? Cách thức phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật hiện hành ra sao? Khi xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết không? Dưới đây là tư vấn và giải đáp cụ thể đến từ luật sư của Luật Rong Ba liên quan đến vấn đề này.

1. Khái niệm di sản thừa kế

Khái niệm di sản thừa kế chưa được văn bản pháp luật nào đưa ra cụ thể mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê di sản gồm những tài sản nào. Điều 612 BLDS 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Theo đó, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Xác định di sản thừa kế

Mục đích cuối cùng của người thừa kế là xác định một cách chính xác nhất khối di sản thừa kế của người chết để lại. Tùy thuộc vào việc xác định chế độ sở hữu, luật hóa trong cách xác định tài sản, chế độ tài sản trong hôn nhân của nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau thì sẽ có những cách quy định khác nhau về di sản thừa kế.

BLDS 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và một số văn bản pháp luật liên quan xác định di sản thừa kế của người chết bao gồm các loại tài sản sau:

2.1. Di sản thừa kế là tài sản riêng của người chết

Tài sản riêng của cá nhân là những tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng và giá trị. Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu vật chất cho cuộc sống, sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật. Khi cá nhân chết đi, tài sản thuộc sở hữu riêng là bộ phận của di sản thừa kế.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng có thể được hình thành từ những nguồn sau:

– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn.

– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đã chia là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.

– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.

– Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật bao gồm:

 – Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

 – Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo văn bản thỏa thuận được xác lập trước khi kết hôn.

2.2. Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung với chủ thể khác

Có thể hiểu, di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung với chủ thể khác, bao gồm các loại sau:

a) Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng

Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản chung của vợ chồng được xác định theo văn bản thỏa thuận được xác lập trước khi kết hôn.

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

 – Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân khi vợ chồng đã thực hiện việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định.

 – Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 – Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

– Tài sản hình thành trong trường hợp vợ, chồng tự nguyện nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

– Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Tại Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, tài sản chung của vợ chồng là thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:

– Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

– Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

– Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Khi một bên chết trước thì về nguyên tắc, toàn bộ tài sản chung sẽ được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu riêng của người còn sống, một nửa thuộc về di sản thừa kế của người đã chết.

b) Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với chủ thể khác

Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Sở hữu chung theo phần thường là việc góp vốn thông qua các hình thức khác nhau để mua sắm tài sản, sản xuất, kinh doanh chung hoặc các nhu cầu chung khác. Để xác định phần di sản thừa kế của người đã chết trong khối tài sản chung cần phải thông qua việc định giá tài sản chung đó.

3. Khởi kiện trong vụ án chia thừa kế

Khi có tranh chấp về di sản thừa kế xảy ra, chúng ta cần chú ý đến những thủ cần có nếu quyết định khởi kiện, cụ thể:

+ Đơn khởi kiện

+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

+ Bản kê khai các di sản;

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản ( Nếu có).

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự. Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

di sản thừa kế
di sản thừa kế

Dưới đây là mẫu đơn khởi kiện khi có tranh chấp về di sản thừa kế mới nhất

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                                   ……, ngày….. tháng …… năm…….

ĐƠN KHỞI KIỆN

                    Kính gửi: Toà án nhân dân ……………………………………

Người khởi kiện:          

Địa chỉ:

        Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)

Người bị kiện:

Địa chỉ       

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)

Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)

Địa chỉ:        

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: …………………(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử : …………………………………………(nếu có)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)       

Địa chỉ:      

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ..………………………..………………. (nếu có)

Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:             

Người làm chứng (nếu có):………………………..

Địa chỉ:      

Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ……………………………….………… (nếu có).

Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có:

1…………………………………………………………………………………………….       

2…………………………………………………………………………………………….

(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án)  

                                                                                                       Người khởi kiện

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về di sản thừa kế. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về di sản thừa kế và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm. 

Messenger
Zalo
Hotline
Gmail
Nhắn tin