Bảo đảm đầu tư là gì? Các biện pháp bảo đảm đầu tư gồm những biện pháp nào? Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư? Sau đây, bài viết của Công ty Luật Rong Ba sẽ giải đáp vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
Luật Đầu tư 2020
Nghị định 31/2021/NĐ-CP
Nghị định 31/2021/NĐ-CP
Bảo đảm đầu tư là gì?
Bảo đảm đầu tư là những cam kết của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nhằm tạo sự an toàn về mặt pháp lý đối với tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư khi họ tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Biện pháp bảo đảm đầu tư là gì?
Luật Đầu tư năm 2020 không đưa ra định nghĩa về biện pháp bảo đảm đầu tư. Dưới góc độ khoa học pháp lý thì các biện pháp bảo đảm đầu tư được hiểu là những biện pháp mà pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư với mục đích kinh doanh. Nói cách khác, các biện pháp bảo đảm đầu tư chính là những cam kết của Nhà nước với các nhà đầu tư về trách nhiệm của Nhà nước đối với việc tiếp nhận đầu tư trước một số quyền lợi cụ thể, chính đáng của nhà đầu tư.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư

Theo Luật Đầu tư hiện hành thì các biện pháp bảo đảm đầu tư bao gồm 6 biện pháp sau đây:
“Bảo đảm quyền sở hữu tài sản; Bảo đảm hoạt động kinh doanh; Bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài; Bảo lãnh của Chính Phủ đối với một số dự án quan trọng; Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh”.
Thứ nhất, Bảo đảm quyền sở hữu tài sản
Nội dung của biện pháp này như sau:
Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đây chính là sự cụ thể hóa Điều 32 Hiến pháp năm 2013, theo đó Nhà nước không được sự dùng quyền năng cưỡng chế đặc biệt của mình để xâm phạm tới tài sản hợp pháp của nhà đầu tư. Quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư được bảo hộ. Trong trường hợp trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư vì những lý do đặc biệt, chính đáng (Quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia…) Nhà nước sẽ có sự thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh
Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chính sách quản lý ngoại hối và khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.
Thứ ba, Bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài
Mục đích của hoạt động đầu tư, kinh doanh suy cho cùng là hướng tới lợi nhuận. Do vậy, Nhà nước ngoài việc bảo hộ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài thì còn cam kết cho họ được chuyển tài sản hợp pháp của mình ra khỏi Việt Nam, cụ thể Điều 10 Luật Đầu tư hiện hành quy định:
“Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:
1.Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;
2. Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;
3. Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.”
Thứ tư, Bảo lãnh của Chính Phủ đối với một số dự án quan trọng
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác. Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Thứ năm, Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
Sự thay đổi của pháp luật tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, trong nhiều trường hợp làm mất đi sự ổn định, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cam kết bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, cụ thể:
Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án..
Quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư hiện hành không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Trường hợp nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Đầu tư hiện hành thì được xem xét giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:
Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế;
Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư;
Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.
Đối với biện pháp bảo đảm đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư phải có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành.
Thứ sáu, Giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh
Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư một cách tối đa trong hoạt động đầu tư kinh doanh, pháp luật đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp như sau:
Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 14 Luật Đầu tư hiện hành.
Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư hiện hành.
Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư hiện hành được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
Tòa án Việt Nam;
Trọng tài Việt Nam;
Trọng tài nước ngoài;
Trọng tài quốc tế;
Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo đảm đầu tư ở Việt Nam:
Văn bản pháp luật trong nước:
Thu hút đầu tư là một trong những chính sách pháp luật quan trọng đối với đất nước vì vậy, các văn bản pháp luật của nước ta đã có quy định về vấn đề này từ khá sớm. Có thể tìm thấy những quy định về bảo đảm đầu tư trong các bản hiến pháp nước ta qua các thời kì. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận và cam kết bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn và tài sản và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Luật Đầu tư năm 2020 là văn bản pháp luật trực tiếp quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư.
Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam tại một số văn bản không trực tiếp điều chỉnh quan hệ đầu tư nhưng cũng chứa đựng các quy định mang tính tinh thần của các biện pháp bảo đảm đầu tư.
Các điều ước quốc tế:
Việt Nam tham gia một số điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến đầu tư. Thông thường, các điều ước quốc tế này đặt ra những nguyên tắc chung về bảo đảm đầu tư, theo đó, các nước thành viên phải tuân thủ các nội dung của điều ước quốc tế đó. Khi Việt Nam tham gia điều ước quốc tế thì phải bổ sung vào quy định pháp luật trong nước các quy định sao cho phù hợp với nội dung của các điều ước đã tham gia. Vì vậy, điều ước quốc tế là một trong những căn cứ pháp lý để quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư.
Như vậy khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, hệ thống pháp luật điều chỉnh các biện pháp bảo đảm đầu từ sẽ bao gồm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư:
Việc Nhà nước ta ban hành các cơ chế bảo đảm đầu tư đã thu hút được lượng đầu tư đông đảo vào Việt Nam kể cả vốn lẫn các dự án đầu tư. Xuất phát từ ý nghĩa về tầm quan trọng của các biện pháp bảo đảm đầu tư mà các biện pháp này có sức ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động đầu tư cả về số lượng và chất lượng của nước ta. Thông qua đó mà các chủ thể là nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước đều có thể yên tâm trong quá trình thành lập và triển khai dự án.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư được ban hành về cơ bản đã làm tăng tính hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư, đồng thời tạo được sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Việt Nam và rất phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư đã góp phần không nhỏ tạo ra môi trường đầu tư bình ổn thu hút đầu tư tăng cao. Xu hướng quốc tế hóa về đầu tư đã tạo ra những luồng đầu tư không chỉ giới hạn trong khuôn khổ biên giới một quốc gia. Các nhà đầu tư đã thực hiện những dự án đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau. Chính nhờ có sự ổn định trong quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư mà các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước mới có thể yên tâm đầu tư trong môi trường đầu tư không bị xáo trộn đến các vấn đề cơ bản liên quan đến những lợi ích trực tiếp của các nhà đầu tư.
Sự thay đổi một cách linh hoạt và đúng đắn của các biện pháp bảo đảm đầu tư đồng nghĩa với việc cải tạo môi trường đầu tư một cách tích cực; thông thoáng và hấp dẫn để đẩy nhanh tốc độ thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Các biện pháp bảo đảm đầu tư còn là cơ sở pháp lý để bảo đảm cho nhà đầu tư có một môi trường đầu tư tốt.
Trên thực tế thì khi nhà đầu tư được bảo đảm về quyền sở hữu tài sản hợp pháp thì họ sẽ được đặt trong môi trường cạnh tranh công bằng; lành mạnh và có hiệu quả. Các biện pháp đảm bảo đâu tư đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tạo lập niềm tin đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không những thế thì các biện pháp đảm bảo đầu tư còn định hướng đầu tư vào các lĩnh vực tạo cơ sở cho phát triển toàn bộ nền kinh tế; định hướng đầu tư vào phát triển các vùng dân tộc; miền núi; hải đảo; các vùng nông thôn và duyên hải gặp khó khăn; để thực hiện cơ cấu vùng lãnh thổ; giảm dần sự chênh lệch sự phát triển giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng, miền khác nhau của tổ quốc.
Ngoài ra, các biện pháp bảo đảm đầu tư được Nhà nước ban hành đã thể hiện thái độ đầy thiện chí cũng như những nỗ lực của nhà nước trong việc mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào và tìm kiếm lợi nhuận. Những quy định ưu đãi này sẽ tạo được niềm tin cũng như cảm giác an toàn khi đầu tư từ đó đã khiến cho các hoạt động đầu tư càng trở nên thông thoáng và phát triển hơn và hiệu quả đầu tư sẽ được nâng cao.
Như vậy, biện pháp bảo đảm đầu tư là cơ sở của hiệu quả đầu tư. Nếu không có những quy định về biện pháp bảo đảm đầu tư hợp lý, khoa học thì hoạt động đầu tư của các nhà đâu tư sẽ không thể có hiệu quả.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về bảo đảm đầu tư. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về bảo đảm đầu tư và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.